Vì sao tôi yêu Vân trung ca ?


Đặc biệt dành tặng Tiểu Hoắc

vtc

Cho đến giờ, Vân trung ca vẫn là một trong số 3 cuốn tiểu thuyết khiến tôi đọc đến lần thứ năm vẫn vẹn nguyên cảm giác say mê như lần đầu tiên. Trước đây, tôi vẫn coi tiểu thuyết ngôn tình chỉ là thứ giải trí, nhưng sau khi đọc VTC bỗng giật mình, hóa ra ngôn tình cũng có thể gây chấn động như vậy. Vì sao tôi lại yêu tác phẩm này đến vậy, những yếu tố nào giúp VTC vượt lên trên bề mặt của tiểu thuyết ngôn tình vốn nhiều như nấm sau mưa, để không chỉ đơn thuần là một áng văn giải trí?
1. Theo “thói quen nghề nghiệp”, câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho mình: có phải ở cách tân nghệ thuật tiểu thuyết của Đồng Hoa không?
Xét về mặt kết cấu, Vân trung ca vẫn tuân theo mô hình tự sự truyền thống: tác giả kể lại một câu chuyện theo trình tự thời gian tuyến tính, “tuần tự nhi tiến” theo dòng đời của nhân vật, hầu như không có sự xáo trộn nào đáng kể về mặt thời gian, hồi tưởng cũng có, nhưng không đáng kể. Nhân vật “người kể chuyện” cũng rất truyền thống: người kể chuyện hàm ẩn, “biết tuốt” các diễn biến của sự kiện và có thể đi sâu vào từng ngóc ngách nội tâm nhân vật. Xét ở hai điểm này, nếu đặt VTC trong dòng chảy văn học đương đại, khi mà tiểu thuyết dòng ý thức, cấu trúc phần mảnh, cấu trúc lắp ghép đã xuất hiện, với nhiều kiểu nhân vật người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật khác nhau, Vân trung ca thực sự “lạc hậu”.
Đổi mới nghệ thuật của Đồng Hoa thực chất nằm ở sự đổi mới tư duy tiểu thuyết: lịch sử hóa tiểu thuyết đi kèm với giải thiêng lịch sử, giải thiêng huyền thoại. Vân trung ca lấy bối cảnh thời nhà Hán với các nhân vật có thật trong lịch sử như Hán Chiêu đế Lưu Phất Lăng, Hán Tuyên Đế Lưu Tuân, Hoàng hậu Hứa Bình Quân, Hoắc Thành Quân, Hoắc Quang, Lưu Hạ, cha con Thượng Quan,… Nhưng VTC lại không phải là một tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử đối với Đồng Hoa chỉ là cái cớ để kể câu chuyện của chính mình. Trong chính sử, Hán Tuyên đế Lưu Tuân được đề cao với “hùng tài vĩ lược, kiếm cũ tình thâm”, Đồng Hoa ngược lại, cho người đọc thấy đâu là hiện thực chua xót ẩn đằng sau “truyền thuyết” mà xưa nay người ta vẫn luôn ca ngợi ấy. “Kiếm cũ tình thâm” thực chất lại chỉ là cái vỏ ngoài để Lưu Tuân thu phục dân tâm, đồng thời đẩy người vợ kết tóc ra nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ ngai vàng của mình. Ông vua hùng tài vĩ lược thực chất lại là kẻ đi lên ngai vàng bằng cách bước qua xác của ân nhân và huynh đệ thuở nào “sống chết có nhau”.
Đây chính là tinh thần hoài nghi hậu hiện đại, là sự đối thoại của kinh nghiệm cá nhân với kinh nghiệm cộng đồng. Cái gọi là lịch sử, chính sử, với Đồng Hoa, không phải là hiện thực tuyệt đối, nó chỉ là hiện thực theo con mắt của người làm sử, là hiện thực mà người làm sử muốn cho người đọc nhìn thấy. Vân trung ca khơi dậy ở người đọc tinh thần hoài nghi. Hiện thực trong VTC có thể nói, cũng chỉ là một “hiện thực như tôi (Đồng Hoa) biết“.
Đổi mới nghệ thuật đáng kể thứ hai của Đồng Hoa nằm ở kết thúc “mở” của tác phẩm: Vân trung ca khép lại khi số phận của Mạnh Giác vẫn là một dấu hỏi. Chàng sẽ may mắn được cứu, hay sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới dòng Thương Hà buốt lạnh kia? Không ai biết! Đồng Hoa cũng không thể biết. Câu chuyện mãi mãi là một thực tại còn dang dở, một thực tại không hoàn kết. Độc giả có thể tùy theo trí tưởng tượng và cảm xúc để tạo ra cái kết cho riêng mình.
Huyên thuyên một hồi, tôi lại giật mình tự hỏi, liệu như thế đã đủ chưa? Sự say mê của tôi dành cho VTC, liêu có phải nằm ở những cách tân này? Không, nếu so sánh với kĩ thuật tự sự dòng ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ulysse của James Joyce, cấu trúc lắp ghép trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, hay sự đối chọi của nhiều điểm nhìn trần thuật trong Bốn bề bờ bụi của Akutagawa Ryunosuke, sự đổi mới của Đồng Hoa gần như là không đáng nhắc tới. Nếu chỉ xét về cách tân nghệ thuật, chỉ cần xét riêng trong thế giới ngôn tình, hẳn là tôi phải thích Hoa tư dẫn với kết cấu truyện trong truyện kiểu roman-fleuvebút pháp hiện thực huyền ảo, hoặc A Mạch tòng quân với 3 cái kết khác nhau ở phần phiên ngoại, hơn. Vậy thì sức hấp dẫn của tác phẩm nằm ở chỗ nào?
2. Nếu phải dùng hai tính từ để mô tả cảm giác của tôi khi đọc VTC thì đó chính là mê đắm và ám ảnh. Tình yêu của tôi với VTC, xét đến tận cùng, xuất phát từ chính cái mê đắm và ám ảnh ấy.
Mê đắm và ám ảnh nằm ở câu chuyện tình yêu đẹp đến như không có thực giữa Lăng ca ca và Vân ca, Mạnh Giác và Vân Ca. Mê đắm và ám ảnh cũng nằm ở chính hình tượng hai nam nhân vật trong câu chuyện ấy.
Không hiểu sao, mỗi lần nghe hai bản nhạc rất yêu thích là “Trails of the angles” (Dấu vết của những thiên thần)

và “Song from a secret garden” (Bài hát từ khu vườn bí mật)

tôi đều bất tri bất giác mà liên tưởng đến họ. Một người như thiên thần dạo chơi qua chốn nhân gian, bình thản với hết thảy, “tất cả các cảm xúc giống như ánh sáng không lưu lại dấu vết”, một người như một khu vườn bí mật, nơi giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, có rắn rết hiểm họa, cũng có hoa thơm trái ngọt bất ngờ. Một người như tiếng sáo thênh thênh không chút bụi trần, một người như tiếng vĩ cầm u uẩn, da diết, khắc khoải.
2.1. Nhân vật Lưu Phất Lăng xuất hiện không nhiều, chàng có thể coi là nhân vật chính xuất hiện ít nhất trong tất cả các tiểu thuyết ngôn tình, nhưng lại là nhân vật mà tôi (và nhiều bạn đọc khác) thích nhất.
4 tuổi nổi danh thần đồng, 8 tuổi đăng cơ, nhưng ngai vàng chỉ là gánh nặng mà chàng buộc phải mang, là thứ chàng căm ghét, khiến chàng nghẹt thở, bởi vì đó là thứ do mẫu thân dùng máu mà đổi lấy. Hơn nữa, phiên vương, quyền thần như hổ đói rình mồi, ngai vàng kia lúc nào cũng lung lay sắp đổ. Chàng lúc ấy chỉ là một cậu bé, nhưng gánh trên vai không chỉ mặc cảm đau đớn với cái chết của mẫu thân mà còn cả tiếng oán cừu của bách tính cùng khổ, sự chèn ép của quyền thần.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên đại mạc đã chiếu rọi một tia sáng vào cõi lòng tối tăm, tịch mịch của chàng. Khi Vân Ca cất tiếng gọi trong trẻo :”Lăng ca ca”, cùng với “nụ cười tươi đẹp như nhân gian trong một ngày nắng tháng tư”, cùng với thái độ tự nhiên, tiếng kể chuyện huyên thuyên không dứt, cô bé ấy đã hé mở cánh cửa vào thế giới vốn khép chặt của Phất Lăng.
Hành động trao tặng giày thêu lúc chia tay, với Vân Ca là vô tình, nhưng lại khởi đầu cho một mối nhân duyên dây dưa không dứt.
– Cô có biết nữ tử tặng giày cho nam tử là có ý gì không?
-Ta nhận, cô nhất định cũng phải nhớ kĩ
– Ta ở Trường An chờ cô
Chỉ vì lời ước hẹn ngây thơ con trẻ và những cảm xúc ban sơ chớm nở mà người con trai ấy lẳng lặng chờ đợi 9 năm. 9 năm, Thiên tử Đại Hán đã 21 tuổi vẫn hậu cung trống rỗng, đến nữ nhân thị tẩm cũng chưa từng có. 9 năm, mỗi lần mệt mỏi với sóng gió cung đình, mỗi lần gặp trở ngại trong việc thi hành cải cách, giảm thuế khóa cho dân, chàng lại bước lên Thần Minh đài, dõi trông về phía Tây, nơi có dáng váy màu xanh lục, hoặc ngắm sao trời, những ngôi sao mà chàng đã cùng người ấy ngắm nơi đại mạc. Thiếu gia vẫn chờ người cầm sợi dây đó tới. Thiếu gia thích ngắm sao. Thiếu gia rất thích màu lục. Đêm khuya, khi thiếu gia ngủ không được, sẽ thổi tiêu, nhưng chỉ lặp đi lặp lại một khúc nhạc.
Vân Ca, 9 năm đằng đẵng chưa từng gặp lại, nhưng lại là tất cả yêu thương, ấm áp của chàng!
Bởi vì tình quá sâu, nên khi nghe văng vẳng trong đêm khuya khúc Trùng nhân phi, kẻ luôn bình tĩnh lãnh mạc, dù đối mặt với mưa gió cung đình mặt không đổi sắc ấy bỗng náo loạn phát điên, bất kể bụi rậm, bất kể y phục bị gai cào rách nát, bất kể da thịt rướm máu, vẫn băng băng đuổi theo hướng âm thanh mà đi, chỉ vì “đây là làn điệu trong lòng quen thuộc nhất, bất kể có nhỏ như thế nào, chỉ cần nàng hát lên, hắn đều có thể nghe được”. Bởi vì tình quá sâu, cho nên chỉ một khúc hát đủ khiến chàng vui mừng, hi vọng, rồi lại hồi hộp, lo âu, phấp phỏng: “Vân Ca, là nàng sao? Nếu như là nàng, vì sao lại chỉ cách Trường An gần như vậy, cũng không từng tới tìm ta? Nếu không phải nàng, tại sao lại có thể quen thuộc như vậy?Vân Ca, tối nay, tiếng hát của nàng là vì sao mà cất lên?”. Bởi vì tình quá sâu, cho nên khi bắt được một chút manh mối, chàng không quản gió lạnh, nguy hiểm trùng trùng nửa đêm từ Ly Sơn di giá về Trường An. Bởi vì tình quá sâu, cho nên đấu tranh, mâu thuẫn giữa khát vọng gặp lại nàng với lo sợ cho an nguy của nàng, cho nên do dự không quyết giữa đi tiếp hay quay lại.
Đến khi tìm được nàng, biết nàng vì người con trai khác mà đau lòng, chàng lại chẳng mảy may oán trách, chỉ lẳng lặng chở che, an ủi, dùng tất cả ôn nhu, dịu dàng của mình để mong xoa dịu những thương tổn của nàng.
Bình bình đạm đạm, chàng, tự lúc nào, đã đi vào lòng Vân Ca, không phải như một vị quân vương, mà chỉ là “Lăng ca ca của nàng”, như bằng hữu, như tri kỉ, như người yêu.
“Vân Ca, ta chính là ta, quá khứ, hiện tại, tương lai, ta đều là Lăng ca ca của nàng.”
Hiểu nhau đến từng lời chưa nói, đồng điệu với nhau từ những sở thích nhỏ nhất. Ở trong lòng chàng, vương vị, quyền lực chỉ là vật ngoài thân. Vì tự do của nàng, vì an toàn của nàng, chàng không do dự từ bỏ cái ngai vàng mà nhiều người mơ ước.
Đứng trước Vân Ca, chàng không phải hoàng đế, không phải con người lạnh lùng cách xa mọi hỉ giận của thế nhân nữa, chàng chỉ là một nam nhân hai mươi tuổi đang cưng chiều nữ tử bên mình: Vì nàng lặng lẽ thổi tiêu, vì nàng lóng ngóng nhóm bếp pha trà,… gò má phớt đỏ khi nàng trêu, ánh mắt yêu thương, khóe mày nhăn lại vì lo âu, nỗi vui mừng đến ngây ngô khi được nàng đón nhận,…
Vui sướng của chàng, nuối tiếc, thống khổ, tự trách của chàng, không yên lòng của chàng, tất cả đều bởi vì nàng.
Chuyện vui sướng nhất chính là cưới được thê tử tốt.”

“Chuyện muốn làm nhất chính là có thể ở cùng nàng ngày lại ngày cho tới bạc đầu.”
Không cầu cái gì cao siêu, ao ước của chàng, giản dị thế, mà cuối cùng, lại trở thành một thứ khẩn cầu xa xỉ. Chàng đã tận lực muốn buông xuống vương vị để tránh sinh ly, lại không thể nào thoát khỏi tử biệt.

“Tình cảm quá sâu, quá đậm, nhưng thời gian lại quá ngắn, quá ngắn.”. “Là một chớp mắt, nhưng đã là một đời, là một đời, nhưng chỉ trong chớp mắt”.
Mối tình ấy, vì thế, quá đẹp, quá mĩ lệ, cũng quá ngắn ngủi, bi thương. Vân trung ca, vì thế, ám ảnh như một khúc ca buồn cho những lỡ làng, tiếc nuối của kiếp người.
Chàng, là hiện thân của cái toàn thiện, cái hoàn mỹ, nhưng cũng là sự thể hiện rõ nét cái hữu hạn của con người, sự bất lực trước vận mệnh.
Chàng hoàn mỹ nhưng không hoàn hảo. Thông minh tuyệt đỉnh, phân tích tình huống như một thiên tài chính trị, nhưng chàng không phải một ông thần. Chàng có thể lợi dụng cục diện lúc Hoắc Quang đấu đá với cha con Thượng Quan để tiêu diệt cả 3 thế lực quyền thần, thu triều đình về một mối, nhưng đã không làm thế, bởi chàng không đủ nhẫn tâm, chàng không muốn quyền lực của mình phải đổi bằng một cơn binh lửa. Chàng, cho đến cuối cùng, không thể bảo vệ nổi người con gái mình yêu, cũng không thể tự bảo vệ chính mình.
Chàng cũng không phải Khổng Minh hay Quan Vũ khi chết rồi vẫn có thể khiến kẻ thù khiếp sợ. Chàng, chết là hết. Tài năng phi thường cũng thế, yêu thương che chở cũng thế, tất cả chỉ là chuyện khi còn sống. Lúc đã nằm dưới ba thước đất rồi thì chỉ còn là một lăng tẩm lạnh ngắt mà thôi, bất kể thiên địa mưa gió thế nào, “cũng chỉ dùng trầm mặc mà đáp lại”, không thể cùng nàng phân ưu, không thể vì nàng bảo bọc. Đứng trước vận mệnh, con người chỉ là một hạt bụi nhỏ bé bất kì lúc nào cũng có thể “tan vào trong đời đời kiếp kiếp luân hồi”!
Nhân đây lại nói đến nam chính trong Ngâm vịnh phong ca. Truyện này được nhiều bạn liệt vào liste truyện hay. Tôi chỉ thấy nhạt thếch. Nam chính giống như ông thần vạn năng, biết tất cả, hóa giải được tất cả, nữ chính giống như công chúa trong cổ tích cứ việc nằm trong rừng chờ hoàng tử đến đánh thức. Một nhân vật nam chính như thế, theo tôi chính là thất bại của tác giả.
Phất Lăng hoàn mỹ, nhưng không phải là ông thần vạn năng như vây. Chàng, giống như sao băng, chói sáng rực rỡ rồi vụt tắt. Quá chói sáng, cũng quá ngắn ngủi, một cực phẩm nam nhân, lại cũng là một cái tôi hữu hạn, bất lực trước vận mệnh, cho nên cũng rất “người”.

Một đặc điểm có thể dễ dàng nhận ra: mối quan hệ Phất Lăng- Vân Ca luôn luôn gắn với khoảnh khắc sinh tử của một trong hai người, luôn luôn là một trong hai người phải đi trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Những giây phút thực sự bình yên rất hiếm hoi. Tình yêu của họ luôn ở trong tâm thế chạy đua cùng cái chết.
Và nếu để ý kĩ một chút, độc giả cũng lại có thể thấy mối quan hệ giữa Phất Lăng và Vân Ca thường được gợi lên với những yếu tố thuộc trường nghĩa chỉ ánh sáng: khi vừa gặp gỡ, ấn tượng đầu tiên của Lăng ca ca về Vân Ca là “mu bàn chân trắng như tuyết”, “ánh mắt cong cong tựa mảnh trăng non”, nụ cười tươi đẹp như nhân gian trong một ngày nắng tháng tư, khiến “Triệu Lăng chợt cảm thấy tận sâu trong nội tâm vốn tối đen như mực của mình bỗng nhiên xuất hiện một tia nắng mặt trời”; đêm trước khi chia tay, nghe tiếng cười trong như tiếng chuông bạc của nàng, Triệu Lăng “hoảng hốt nghĩ trong thành Trường An, tòa cung điện trống trải tịch mịch bị bóng tối bao phủ kia, có lẽ có tiếng cười của Vân Ca, tòa cung điện đó cũng trở nên giống nụ cười của nàng, ấm áp như ánh nắng”. Scène Phất Lăng bày tỏ tâm ý là một đêm “Ánh trăng sáng tỏ, ánh sáng vẩy khắp Thương Hà….” . Đêm phu thê kết tóc của họ cũng là một màn giữa trời nước, trăng sao mĩ lệ. “Ngẩng đầu, là ánh sao sáng lạn, cúi đầu, vẫn là ánh sao sáng lạn, ở giữa còn có vô số đom đóm đơn độc phát sáng, cũng là những ánh sao nhỏ sáng lạn”. “Thiên địa làm bằng, ngôi sao làm mối, nàng là thê tử duy nhất đời này kiếp này của ta.”
Ánh sáng là biểu hiện của sự sống, niềm hi vọng, niềm vui, sự ấm áp. Tình yêu Lăng ca ca- Vân Ca được bao phủ bởi ánh sáng, cho nên vô cùng mĩ lệ. Hơn nữa, các yếu tố chỉ ánh sáng ở đây đều là thứ ánh sáng tự nhiên từ vũ trụ. Khác với ánh sáng nhân tạo, ánh sáng tự nhiên từ vũ trụ mang tính vĩnh hằng, tuần hoàn, trải qua một chu kì nhất định, nó có thể sáng trở lại sau khi đã tắt.
Đặt hai đặc điểm này song song với nhau có thể thấy tính chất của tình yêu này: mĩ lệ, rực rỡ, nhưng cũng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh, ngắn ngủi, nhưng lại đủ cho cả một đời.

Đặc biệt, Phất Lăng đối với tôi hay đối với rất nhiều bạn đọc, sở dĩ được yêu thích, không phải chỉ bởi chàng là 1 nam nhân si tình, mà còn bởi tấm lòng của chàng đối với con dân Đại Hán. Tôi nhớ mãi hình ảnh khi chàng đang băng băng phi ngựa muốn đuổi theo Vân Ca, tình cờ gặp và trò chuyện với ông lão nhặt củi, chàng, dẫu khao khát thương nhớ là thế, vẫn đành  cúi đầu trầm mặc quay ngựa trở về, chỉ bởi vì “Vân Ca, bất luận ta có nghĩ tới nàng nhiều bao nhiêu, ta cuối cùng cũng không thể tùy hứng mà đi theo nàng được. Ta còn có con dân của ta, ta còn có trách nhiệm của ta”. 

Đất diễn của nhân vật Lưu Phất Lăng không nhiều, chàng chỉ được miêu tả ở một vài chương trong quyển thượng, chủ yếu xuất hiện ở quyển trung và vận mệnh kết thúc ở đầu quyển hạ, nhưng ấn tượng về chàng lại vô cùng sống động. Niềm vui của chàng, sự hồi hộp phấp phỏng của chàng, sự tức giận của chàng, nuối tiếc của chàng, băn khoăn lo lắng của chàng…tất cả đều rất thực, rõ nét như từng hơi thở của chúng ta.
Cái tài của Đồng Hoa là chỉ qua một vài chi tiết nhưng đã gợi được cái thần của nhân vật, giống như thủ pháp chấm phá trong Đường thi.   Đặc biệt, nhân vật Lưu Phất Lăng trở nên có bề dày khi đời sống bên trong của chàng được tái hiện một cách tinh tế qua các màn độc thoại nội tâm hoặc những đoạn hòa trộn giữa lời của người kể chuyệnđiểm nhìn của nhân vật. Ví dụ: “Nếu Trúc công tử thật sự là nàng, hắn nhất định phải nhanh chóng gặp nàng, vạn nhất có người khi dễ nàng rồi thì sao? Vạn nhất nàng không được vui vẻ thì sao? Vạn nhất nàng phải rời khỏi Trường An thì sao? Vạn nhất nàng đã gặp một người khác thì sao? Trong khoảng thời gian một ngày chuyện có thể sẽ xảy ra nhiều lắm, mà hắn đã sớm mất đi niềm tin đối với ông trời. “Hắn xiết chặt cây sáo trúc trong lòng bàn tay. Vì dùng lực quá mạnh, cây sáo trúc cắt vào lòng bàn tay, giữa kẽ tay lộ ra màu máu.
Vân Ca! Vân Ca! Chín năm sau, chúng ta lại có thể gặp lại như thế này!”
2.2. Nếu như Lăng ca ca là nhân vật tôi thích nhất khi đọc truyện thì Mạnh Giác lại là nhân vật khiến tôi day dứt nhất sau khi gấp trang sách lại.
Từ góc độ của người nghiên cứu và người sáng tác, Mạnh Giác đích thực là nhân vật sáng giá cho tiểu thuyết. Bởi y không phải là một tính cách đơn thuần, y là một phức thể của các tính cách đối lập, cao thượng- thấp hèn, tự tôn- tự ti, vị tha- ích kỉ. Đặc biệt, y, nói như một bạn nào đó, rất hiện sinh. Mạnh Giác đối mặt với thế giới bằng một tâm thế mở, y có thể vì sự đối mặt ấy mà dần dần thay đổi, thay đổi trong nhận thức, thay đổi trong hành động. Nhờ có quá trình đối mặt ấy, y dần trưởng thành. Hành trình của y trong VTC là hành trình của một cái cây từ bóng tối vươn mình ra ánh sáng.
Mạnh Giác không phải người hoàn mỹ như Phất Lăng. Y tính toán, y có tư tâm, y có thể sử dụng thủ đoạn lôi đình, tàn nhẫn để đạt được mục đích của mình. Khi cần thiết, y có thể bắt tay với quỷ ác, nhưng ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn y dường như cũng luôn ngự trị một thiên thần.
Điểm đáng quý đầu tiên ở Mạnh Giác là ý thức phản tỉnh mạnh mẽ. Y là nhân vật của sự hoài nghi, không chỉ hoài nghi với những tín điều đã cũ, hoài nghi vận mệnh, hoài nghi cái gọi là “sự sắp đặt của ông trời”, mà còn là hoài nghi với chính nhận thức của mình. Mạnh Giác trước khi tiếp cận Lưu Phất Lăng vốn mang tâm thế thù địch. Gia biến, tuổi thơ khốn khổ đến cùng cực của y, cái chết của mẫu thân, đệ đệ, chính là bởi triều đình nhà Hán. Nhưng khi tiếp cận với chàng, trải qua việc chàng từ chối triệu kiến Trúc công tử, bởi vì “Người này phải làm công việc hắn thích, trẫm ép hắn không được. Để cho hắn tự do tự tại làm đồ ăn theo phương thức mà hắn thích, đó mới là thật tâm thưởng thức tài nghệ của hắn.”, nội tâm Mạnh Giác chấn động “nhất thời có một cảm giác không diễn tả được, hoàng thượng này làm cho hắn có nhiều điều không ngờ.”
Chấp niệm về báo thù rửa hận, cái ăn sâu nhức nhối đến tận trong máu của Mạnh Giác, kinh qua quá trình trải nghiêm nhân sinh của hắn, cũng biến đổi. Vào giây phút y nói vào tai Vân Ca “Ta chờ nàng tìm ta để báo thù”, y đã ngộ ra năm ấy mẫu thân dặn mình báo thù, thực chất chỉ là cho mình một lí do để từ trong tuyệt vọng mà sống sót. “Lúc sắp chết, mẹ chỉ vào phương hướng quê nhà, đó mới là hi vọng thực sự của mẹ, mẹ muốn con trai của mình ở dưới bầu trời xanh, ở trên cỏ xanh, phóng ngựa rong ruổi, sống một cuộc sống sảng khoái, có lẽ mẹ chưa từng hi vọng rằng con trai mình dính líu tới thù hận”. ” Thù hận là một đầm lầy càng gắng sức càng chìm xuống sâu”.
Ngay trong tình yêu, trong cách yêu, Mạnh Giác cũng có sự biến đổi rất lớn.
Tình yêu, ban đầu, đối với Mạnh Giác, chỉ là một quân cờ có thể lợi dụng. Y tiếp cận Vân Ca, đến Tây Vực cầu thân, một mặt là vì trong tiềm thức của y luôn có hình bóng của chú sơn ca nhỏ, người đã “nắm lấy tay hắn ngay cả khi hắn dơ bẩn nhất”, một mặt khác, lại là vì cơ hội thừa kế gia sản của Phong thúc thúc. Sau đó, y dao động, y do dự giữa Hoắc Thành Quân và Vân Ca, bởi vì Hoắc Thành Quân cũng là quốc sắc thiên hương, mà đặt bên cạnh quyền lực nghiêng trời của Hoắc thị, gia sản của Phong thúc thúc đã chẳng đáng kể gì. Nếu Mạnh Giác chỉ là một thương nhân toan tính, ai cũng biết đâu sẽ là con đường mà y lựa chọn. Lí trí cho hắn biết cưới Hoắc Thành Quân sẽ là tiền đồ rộng mở, nhưng hắn lại làm theo tiếng nói của con tim, hắn lựa chọn Vân Ca, cũng tức là là đối chọi với Hoắc thị, từ bỏ con đường thênh thang trước mắt để bước lên cây cầu độc mộc.
Cách yêu của Mạnh Giác cũng đi từ ích kỉ, hẹp hòi đến bao dung, rộng lượng. Cảm nhận được những “nguy cơ” từ đối thủ như Phất Lăng, hắn không ngại ràng buộc nàng bằng một trao đổi có điều kiện “trong vòng 1 năm, nàng không được để hắn ôm, không được ngủ cùng, không được làm gì cả”. Nghe “tiếng hít thở dồn dập” ngoài hiên đầy lo lắng, xót xa của Vân Ca khi đâm kim xuyên xương thăm bệnh cho Phất Lăng, y không ngần ngại cắm vào thật từ từ, thật từ từ, để kẻ bị đâm kia thêm thống khổ. Ghen tuông, ích kỉ, tư tâm như thế, nhưng y cũng vì nàng mà không ngại tổn hao vô vàn tâm huyết để chữa bệnh cho “tình địch”, vui mừng khi tìm ra cách chữa, xót thương, bất lực ôm lấy nàng khi “trong mắt nàng có mong mỏi của một người rơi xuống dòng nước xiết muốn bắt lấy một khúc gỗ” mà hắn lúc ấy chỉ là một cây rơm rạ.
Tình yêu của Mạnh Giác đã đi từ tính toán, lợi dụng, đến thật tâm rung động, đến hi sinh, đã đi từ chỗ vì mình, đến chỗ vì người, và chỉ vì người.

Tôi không muốn nhắc đến ở đây những lần công tử vào sinh ra tử để cứu Vân Ca. Nam chính, nam phụ trong ngôn tình chẳng phải luôn bán mạng vì nữ chính hay sao? Tôi cũng không nhắc đến hành động “nguyện lấy thân này chịu đau như nàng”, hay việc công tử biết Vân Ca vì hiểu lầm, thù hận muốn đầu độc công tử mà công tử vẫn thản nhiên tiếp tục, chỉ bởi vì đó là thức ăn nàng làm, chỉ bởi vì muốn nếm hương vị của tình yêu, dù ngọt bùi, dù cay đắng, hay là chua chát.
Tôi chỉ nhắc đến mấy chi tiết sau đây, những chi tiết khiến tôi rung động đến tận tâm can, để thấy cuối cùng, tình yêu của công tử, đã biến đổi đến thế nào.
Chi tiết thứ nhất là khi công tử quyết định cầm chén thuốc sảy thai cho Vân Ca uống. Lần đọc đầu tiên, tôi vẫn băn khoăn: tại sao công tử không chọn một cách khác để cứu Vân Ca. Công tử có võ công, có đội Tam Nguyệt, Bát Nguyệt hậu thuẫn, công tử cũng có thể tìm cách để liên lạc với hai ca ca thần thánh của Vân Ca. Tại sao công tử không cùng người nhà nàng dốc toàn lực đánh một trận để cứu nàng? Đọc lại lần thứ hai, chú ý đến đoạn đối thoại của công tử với Hoắc Thành Quân, tôi chợt hiểu ra. Nếu như công tử yêu tình yêu của mình nhiều hơn một chút và yêu Vân Ca ít hơn một chút, công tử sẽ làm như cách tôi vừa nói. Dốc toàn lực cướp pháp trường để giải cứu nàng, một là may mắn thành công, cơ hội nàng mở lòng với công tử sẽ nhiều hơn. Trường hợp xấu nhất, thất bại, công tử cũng có thể cùng nàng “đồng khứ đồng quy, sinh tử tương hứa”. Nhưng công tử yêu Vân Ca hơn là yêu tình yêu của mình, cho nên công tử không thể mạo hiểm. Nếu công tử không chấp nhận đề nghị của Hoắc Thành Quân, bất kì lúc nào cô ta cũng có thể giết chết nàng, trước khi công tử tìm được nàng. Có lúc nào công tử không mong đợi một ngày nàng quay trở lại bên mình, nhưng vì sự sống của Vân Ca, lúc này đây, công tử lại chỉ có thể chấp nhận tự tay giết đi niềm hi vọng của nàng, cũng có nghĩa là tự tay đẩy nàng ra xa vạn trượng.
Chi tiết thứ hai, khi nàng vì đau buồn mất con mà hôn mê không tỉnh, công tử điên cuồng nhắc nàng “Đứa bé đã chết! Là bị ta giết chết!” “Nàng phải cố gắng sống sót! Ta chờ nàng sau khi tỉnh lại báo thù!”. Tình yêu của công tử, lúc này, không còn là hi vọng chiếm hữu nữa, nó đã thành VÔ SỞ CẦU. Đứng trước sự sống của nàng, yêu hay hận, hi vọng hay vô vọng, đã đã trở thành thứ yếu.
Đỉnh điểm là khi, để cứu Vân Ca, công tử cầm lên tay cây tiêu ngọc của Phất Lăng, thổi khúc nhạc mà Phất Lăng vẫn thổi. Tôi tự hỏi, buổi chiều ấy, công tử đã nghĩ những gì?
Chúng ta biết công tử là một kẻ tự tôn, kiêu ngạo có thừa. Không phải thứ kiêu ngạo sinh ra từ trong máu của một người xuất thân sang quý. Kiêu ngạo của công tử sinh ra từ khổ đau, nhục nhã, cùng cực, như một thứ lá chắn sinh ra từ bóng tối. Giống như con nhím xù lông để tự vệ. Tự tôn, kiêu ngạo như một phương thức để tránh đi những tổn thương mà người đời có thể gây ra cho công tử qua sự khinh bỉ hay thương hại. Trong khốn cùng bị đánh đập, bị lăng nhục, công tử vẫn cười ngạo, thách thức ông trời. Hoắc Quang, Lưu Tuân cũng chưa từng khiến công tử cúi đầu. Hơn 1 lần, công tử nói với hoàng đế:
“Thảo dân chẳng những không phải một người thanh cao, hơn nữa còn là một người thích chạy theo quyền thế, nhưng cho dù là quyền thế, ta cũng không có thói quen chấp nhận chuyện người khác áp đặt cho ta, nếu ta muốn sẽ tự mình đoạt lấy.” (đối thoại với Lưu Phất Lăng)
“Ta từ trước nay luôn là muốn gì thì đều tự lực cánh sinh.” (đối thoại với Lưu Tuân)
Tự tôn, kiêu ngạo là thế, mà giây phút này đây, vì Vân Ca, công tử tự biến mình thành cái bóng của Phất Lăng, có nghĩa là, lá chắn cuối cùng của công tử, cũng đã sụp đổ tan tành trước sinh mệnh của nàng. Với một nam nhân, mất đi tự tôn chẳng phải còn hơn cả cái chết hay sao? Hi sinh vì một người con gái còn có thể hơn được hành động này của công tử hay sao?
Mạnh Giác trong quá khứ đã không dưới một lần nói với Vân Ca “ta dù thế nào cũng không phải là một công tử si tình”, nhưng qua những hành động của công tử, tôi thấy có lẽ nếu chỉ dùng một chữ si tình để nói về chàng có lẽ còn chưa đủ.
Vì nàng buông bỏ hận thù. Yêu đến quên cả tự tôn, yêu đến cam chịu, yêu đến dẹp bỏ mọi ham muốn. Yêu trong đau đớn, trong tuyệt vọng. Yêu đến mức, “nếu như hận cũng là một loại khắc cốt ghi tâm, vậy thì nàng cứ hận đi”. Yêu đến mức, giây phút cuối cùng của cuộc đời, sau khi đã bị vạn tiễn xuyên tâm, ý nghĩ duy nhất cũng là về nàng “Ở nơi xa tắp, bên ngoài hồng trần hỗn loạn, có mây trắng lững lờ trôi đó, nàng đã quên được hết thảy hay chưa, đã tìm thấy sự bình yên của nàng hay chưa?
Nàng thật sự đã quên tất cả về ta rồi sao?
Bệnh của nàng đã đỡ hơn chút nào chưa?”
Không phải là “Nàng có khi nào nhớ đến ta không”, mà là “nàng đã quên được hết thảy hay chưa, đã tìm thấy sự bình yên của nàng hay chưa?”. Thiên ngôn vạn ngữ thu lại trong một ý niệm đơn sơ như thế. Câu hỏi này của công tử khiến tôi liên tưởng đến quan niệm về hạnh phúc của Vân Ca qua màn phẩm đồ ăn giữa nàng và Phất Lăng ở chương Tâm đầu ý hợp. Các món ăn bắt đầu từ ngọt ngào, đến cay đắng, chua chát, rồi cuối cùng trở về với vị dầu muối đạm mạc thường ngày, bởi vì “Thức ăn có trăm ngàn hương vị, cố nhiên vị càng đậm đà thì càng kích thích, nhưng ấm áp nhất, thức ăn ngon nhất lại chính là vị dầu muối bình thường, cũng giống như trong cuộc sống, chua ngọt đắng cay, rất nhiều màu sắc, thay đổi muôn hình muôn vẻ, nhưng sau cùng luôn hi vọng chính là tế thủy trường lưu, cùng nắm tay hưởng hạnh phúc bình thản”.

Nếu như phải nói một chút gì đó về nét đặc sắc của Đồng Hoa khi miêu tả nhân vật Mạnh Giác thì theo tôi đó chính là thủ pháp “trùng tượng”, hiểu một cách nôm na thì đó có nghĩa là xây dựng một cặp nhân vật có điểm tương đồng nào đó về vẻ ngoài, về hoàn cảnh hoặc tính cách, để cặp nhân vật đó soi chiếu và làm nổi bật lẫn nhau. Nhìn bề ngoài sẽ thấy quan hệ “trùng tượng” giữa Mạnh Giác và Lưu Bệnh Dĩ.: cùng là tuổi thơ phải trải qua gia biến, từ cuộc sống phú quý cẩm y ngọc thực đến đói rét đầu đường xó chợ, bị xua đuổi, bị săn lùng, rồi cùng cố tạo cho mình một cái mặt nạ để che dấu nội tâm “một người cười sang sảng như thể trượng phu, một người ôn hòa tựa như quân tử”. Lưu Bệnh Dĩ không từ thủ đoạn để bước lên ngôi hoàng đế, Mạnh Giác cũng sẵn sàng “đổ dầu vào lửa”, “giương đông kích tây” để làm tăng thêm mâu thuẫn giữa tam đại quyền thần hay ra tay độc ác với đám Hắc y nhân. Nhưng đây chỉ là mặt hiển lộ. Sâu trong nội tâm, Mạnh Giác lại là người vô cùng khác biệt với Lưu Bệnh Dĩ. Công tử muốn giống Lưu Bệnh Dĩ, muốn mình là kẻ “mặt hiền tâm lạnh”, mà rốt cục lại không đủ tàn nhẫn, rốt cục, trong lòng công tử “còn có quá nhiều thương xót mà y không bao giờ chịu thừa nhận”. Cho nên, công tử gần với Phất Lăng hơn. Công tử không đành lòng tạo ra một ngòi nổ cho cuộc chiến Khương tộc- Hán triều, đẩy vạn vạn gia đình vào cảnh nhà tan cửa nát, cho nên ở giây phút cuối cùng đã ghìm mũi kiếm tha cho Khắc Nhĩ Tháp Tháp, nhận cái chết về mình. Chính công tử, chứ không phải Vân Ca, mới là người hiểu lí do vì sao Phất Lăng biết Lưu Tuân là kẻ hãm hại mình mà không trả thù, ngược lại vẫn truyền ngôi cho y. Công tử giống Phất Lăng, cho nên khi Phất Lăng vừa muốn xuống giường hành lễ, chưa cần một lời giải thích nào, công tử đã hiểu hết ý tứ của chàng:“Hoàng thượng không cần như thế, nếu như ngày sau Vân Ca có hỏi, thần sẽ nói là thần y thuật thấp kém, cuối cùng không chữa khỏi bệnh của hoàng thượng.”  Đấy là chưa nói đến những điểm chung trong tình cảm của hai người đối với Vân Ca. Có chung khởi đầu, có chung lưu luyến, có chung chờ đợi, … Bảo vệ, che chở, hi sinh!
Khi an ủi Vân Ca, Lưu Phất Lăng hay nhắc đến 4 chữ “âm soa dương thác”. Tôi thấy 4 chữ này đặc biệt đúng với Mạnh Giác. Thông minh có đủ, mưu sâu kế hiểm rất nhiều, khao khát yêu thương, tôn thờ tình cảm thủy chung “bất ly bất khí” (không rời bỏ, không lìa xa), mà cuộc đời, chỉ vì đi sai một bước, lại là một chuỗi những bi kịch. Lưu Phất Lăng không có bi kịch. Với chàng, chỉ có tiếc nuối. Chí nguyện của chàng đã đạt, ước vọng tình yêu với Vân Ca cũng đã thành. Cuộc đời chàng, tuy ngắn ngủi, nhưng đã thực sự có được hạnh phúc. Còn Mạnh Giác, đi đến cuối cùng, thù không trả được, tình cũng lìa xa. Cho nên Mạnh Giác là hiện thân đầy đủ nhất bi kich của sự lỡ làng.

3. Làm nên sức hấp dẫn của VTC không chỉ có tam giác Lưu Phất Lăng, Mạnh Giác, Vân Ca mà còn có hệ thống các nhân vật phụ. Hứa Bình Quân, Lưu Tuân, Hoắc Thành Quân, Thượng Quan Tiểu Muội, Hoắc Quang, mỗi người đều không bị vo tròn trong một ước lệ về tính cách, mà là một bản ngã nhiều chiều. Không có nhân vật nào hoàn toàn đáng yêu hay đáng ghét. Chẳng hạn, nhân vật Hoắc Quang. Nếu dưới một ngòi bút tầm thường, Hoắc Quang sẽ chỉ hiện lên như một gian thần độc ác, vô tình. Đồng Hoa lại cho người đọc biết một phương diện khác của con người ấy. Ông ta vì quyền lưc có thể tàn nhẫn tính kế đầu độc một vị tiểu hoàng đế mới vừa 8 tuổi, hoặc giết chết cả nhà thông gia, nhưng sâu trong tâm khảm, ông ta không phải là một người lãnh khốc vô tình. Vì với Hoắc Quang, quyền lực cũng chỉ là phương tiện để thực hiện hùng tâm tráng chí. Có quyền lực mới có thể đề xuất cải cách, giảm bớt thuế khóa, để cho thái bình nơi biên cương không phải đổi bằng nước mắt hồng nhan.
Câu chuyện của Đồng Hoa trong VTC không đơn thuần là câu chuyện tình yêu, nó còn khơi gợi ở người đọc nhiều vấn đề quan trọng khác của nhân sinh: quan niệm về quyền lực, quan niệm về sự thù hận, quan niệm về hạnh phúc, tầm quan trọng của quá trình và kết quả,… Đọc Vân trung ca, tôi có cảm tưởng như nghe một song đề của Tội ác và hình phạt (Dostoievski), trong đó Hoắc Quang, Lưu Tuân, ở một mức độ nào đó, giống như hình bóng của Raskolnikov, còn Phất Lăng, Lưu Hạ, ngay từ đầu, đã hiểu ra chân lí mà Raskolnikov phải trải qua một quá trình vật lộn đầy máu và nước mắt mới nhận ra. “Quyền lực đối với hắn chỉ là công cụ, mà không phải mục đích, nếu chỉ vì công cụ, mà trước hết lại phải làm trái với mục đích của chính mình, vậy hắn tình nguyện lựa chọn vứt bỏ. Vì quyền lực mà trở nên xấu xa, hắn đã sớm thấy đủ rồi! Bất luận là quá khứ, hiện tại, hay là tương lai, hắn đều tuyệt đối không cho phép mình vì quyền lực mà biến thành kẻ xấu xa hắn đã căm thù đến tận xương tuỷ.”
Giọng điệu của VTC cũng rất ám ảnh. Trong VTC có một số đoạn mang giọng giễu nhại châm biếm, một số đoạn mang giọng hài hước, nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn là giọng điệu bi thương khắc khoải, giống như “máu trào ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy”.

Trộm nghĩ, nếu như có một ngày Đồng Hoa sang gặp độc giả Việt Nam, hẳn nên một lần gặp Tiểu Hoắc để “dĩ tạ tri âm”, bởi nếu không có bản edit rất có hồn của Tiểu Hoắc, giọng điệu bi thương ám ảnh của Đồng Hoa cũng khó có thể được chuyển tải vẹn nguyên như vậy.
Để khép lại bài viết này xin mượn lại lời của Viên Viên- Chủ biên tạp chí ‘Phụ nữ hiện đại’ “ Có rất nhiều tác giả viết về tình yêu, người khiến tôi cảm động cũng không phải ít, người khiến tôi đau lòng cũng có nhiều, nhưng khiến tôi đọc mà rung động tới tận linh hồn thì chỉ có mình cô mà thôi.”

Limoges, 27/9/2014

Lê Thị Hồng Hạnh

PS: Công tử ơi! Chẳng cần phải “người tri âm ít cầm nên lặng” đâu. Nếu thực có thể gặp lại trong một duyên kiếp khác, sẽ không chỉ có “một tấm lòng trong thiên hạ” nguyện nghe công tử gảy khúc Thái vi!

 

 

17 Responses to Vì sao tôi yêu Vân trung ca ?

  1. lulu nói:

    Bai cam nhan cua ban that xuat sac. Minh cung giong nhu ban, dung la VTC Lam minh cam thay day dut va am anh. Minh thich nhat nhung canh cua LPL va VC, nen thuong doc luot nhung canh khac. Tuy nhien, khi doc lai thi minh rat xuc dong khi doc canh VC gap lai Tam ca. Cai canh do sao lam minh cam thay buon, noi dau sau tham trong tim VC hay khi VC leo len dinh nui vao ngay le tang cua LPL. No lam minh am anh
    Con voi LPL, canh anh dung nhin ve phia tay, ngam troi sao hay noi nuoi tiec khi sap phai roi xa VC. No lam minh rat an tuong.
    MG thi minh khong thich nhung doc di doc lai thay MG cung rat dang thuong. Nhieu khi minh tu hoi : phai chang Khi VC ra di da mang theo sinh menh cua MG. Nen du biet LT ha thu voi minh nhung MG van khong tranh ne?
    LT, minh ghet han. Nhung han that su thang sao? Han lam minh nghi den Voldemort va thay Dumbledore trong Harry Potter. Co ve nhu han la nguoi chien thang cuoi cung nhung that ra minh cam thay LPL va MG qua cao thuong nen ko lam nhung dieu nhu han da lam. Nhieu khi minh cam thay co le LT moi khi ngoi tren chiec ngai vang han deu khong quen duoc LPL.
    Cai cam nhan cua Vu An khi nhin theo VC. Han da tung nhin thay hinh anh nguoi dung nhin ve bau troi sao huong tay truoc day, nhung nguoi do con co Hy vong. Con VC thi ko con chut hy vong nao nua. No lam minh thay day dut.
    Ps. Sorry because I can’t use Vietnamese keyboard. So it’s difficult to read. So so sorry!

    Đã thích bởi 1 người

  2. Vô Danh nói:

    Phân tách rất hay! Nói về Mạnh Giác hoàn toàn chánh xác. Chỉ là Đồng Hoa đã có 1 sơ hở rất lớn, mà chính sơ hở này càng khiến những bi kịch tiếp sau quá khiên cưỡng.

    Hoắc Quang mới nhìn Hoắc Diệu đã nhận ra đó là con của Hoắc Khứ Bệnh, thì ko lí nào lại ko nhận thấy Vân Ca có những nét tương đồng. Thêm nữa một cô gái đến từ Tây Vực, thông minh, nấu ăn giỏi, lại biết sử ra 1 bộ đao pháp kinh thế hãi tục, tự nhiên xuất hiện bên hoàng đế, thân là Đại Tư Mã chấp chưởng triều chánh, Hoắc Quang ko thể bỏ qua đi điều tra, mà đã điều tra ắt phải ra, vì cha mẹ Vân Ca quá nổi danh ở Tây Vực. Ko thể nói là Tây Vực xa xôi khó điều tra. Cáo thị chém đầu Vân Ca dán ở Đôn Hoàng là Hoắc Diệu đã biết, cưỡi thần mã đi thẳng đến Trường An cứu người. Ra tay sấm sét, nhắm thẳng vào Hoắc Quang bắt người chuộc mạng. Mạnh Giác hoàn toàn có thể làm như vậy, ko cần phải trao đổi với Hoắc Thành Quân.

    Cứ cho là Mạnh Giác ko muốn cướp pháp trường cứu Vân Ca vì lo sợ cho tính mạng của nàng đi, hắn cũng có thể giở bài ngửa ra với Hoắc Quang để đánh đổi với Vân Ca. Bảo tài lực của hắn thua quyền khuynh loát thiên hạ của Hoắc Quang là ko đúng. Hắn có thể khống chế giá cả vật tư, có thể nói nắm hết vận mạch kinh tế Hán triều, dù là đương kim hoàng đế cũng phải nhìn sắc mặt hắn mà hành động. Không phải lúc hắn bị truy đuổi gần chết, vẫn làm vật giá tăng vọt, khiến Lưu Tuân phải ngưng tay hay sao?

    Hoặc đơn giản nhất, hắn chỉ cần đến gặp Hoắc Quang, nói Vân Ca là cháu gái của ông. Có Hoắc Quang bảo vệ, mười Hoắc Thành Quân cũng không dám đụng tới Vân Ca.

    Tóm lại đã miêu tả Mạnh Giác như một nhân vật truyền kỳ, nhưng đến giây phút quan trọng, lại bắt hắn vô phương thúc thủ, thì khiên cưỡng quá. Như bàn ăn thịnh soạn, rất nhiều món ngon, nhưng đến lúc tối quan trọng, lại có 1 hạt sạn.

    Viết một ít vì căn bản thấy Vân Trung Ca lẽ ra là một tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình hay. Đoạn Mạnh Giác gặp tiểu ăn mày Vân Ca rồi đãi ăn thiệt như 1 khuôn trong Xạ điêu anh hùng truyện, khúc Quách Tĩnh lần đầu gặp Hoàng Dung. Tiếc là Đồng Hoa không phải là Kim Dung, nên dù dày công bày binh bố trận, rốt cuộc lại vẽ hổ không thành, đáng tiếc, đáng tiếc!

    Đã thích bởi 1 người

  3. Hạnh Lê nói:

    Cảm ơn phản hồi của bạn. Về mấy chỗ bạn cho là sơ hở của ĐH mình có ý kiến thế này:
    -Thứ nhất, HQ thực sự là nhìn VC cũng có cảm thấy có cái gì đó quen thuộc (đoạn miêu tả lần đầu tiên VC diện kiến HQ ở Thất lý hương), nhưng trong lòng HQ luôn đinh ninh là đại ca đã mất, cho nên khó có thể nghĩ đến tình huống VC là cháu gái của mình. Hơn nữa dù HQ cho ng đi điều tra cũng chả thể biết thân thế của VC được, vì nếu điều tra đc thì trong vòng 10 năm qua chắc chắn người mà Phất Lăng phái đi đã điều tra ra rồi. Thêm nữa cũng có 1 đoạn khi VC mới theo Phất Lăng về cung ĐH cũng nói các quan lại đều xôn xao muốn tìm hiểu gốc gác của VC nhưng sau đó đều lại chỉ biết nàng là 1 cô gái mồ côi tự dưng chạy đến kinh thành.
    – Thứ 2 tại sao MG không nói cho HQ biết VC là cháu gái ông ta để cứu nàng. Cái này có lẽ bạn đọc tp hơi lướt nên quên mất những tình tiết quan trọng. Đoạn này VC còn chưa biết cha nàng là tướng quân Hoắc Khứ Bệnh anh trai của HQ, phải đến khi gặp lại tam ca thì huynh ấy mới đưa nàng đến mộ Hoắc Thiện và sau đó được đưa đến từ đường nhà họ Hoắc thì nàng mới nắm được nội tình. Lại phải sau đó một thời gian khi VC muốn lấy thuốc ở chỗ MG để làm cho HTQ khó có thai thì nàng mới cho MG biết quan hệ giữa nàng và HKB, HQ. Như vậy lúc này MG làm sao biết VC là cháu HQ để mà nói với ông ta?
    – Thứ 3, vì sao MG không thể đánh bài ngửa với HQ? MG thừa biết HQ với những chuyện nhỏ thì có thể nhân nhượng, nhưng với việc lớn lại k thể. Nếu để con của VC ra đời thì HQ sẽ mắc tội khuynh đảo triều chính vì đã đưa Lưu Hạ và Lưu Tuân lên ngôi. Thêm nữa là Lưu Tuân sẽ không đời nào tha cho đứa bé trọng bụng VC vì đó là mối đe dọa với ngai vàng của hắn. MG có thể lũng đoạn thị trường, nhưng cân nhắc giữa cái lợi và cái hại thì HQ và LT sẽ thà bị khuynh đảo thị trường còn hơn là ngai vàng bị đe dọa.
    Như vậy cách tổ chức các tình tiết, sự kiện của ĐH là logic đấy chứ? Không biết những phản biện này của mình có làm bạn thấy thỏa đáng không?
    Thêm 1 chút là chỗ mà bạn cho là đáng tiếc ấy mình lại nghĩ may là Đồng Hoa không cố gắng để tạo ra một Xạ điêu anh hùng truyện thứ 2. Nàng Đông Thi bắt chước nàng Tây Thi nhăn mặt chẳng phải đã làm trò cười cho thiên hạ hay sao, trong khi mỹ nhân, ngoài vẻ đẹp kiểu Tây Thi còn có kiểu Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền kia mà, cần gì phải giống Tây Thi mới đẹp?

    Thích

  4. Jesmine nói:

    Mình trước giờ không đọc nhiều ngôn tình, truyện đầu tiên đọc là Bên nhau trọn đời của Cố Mạn, nhưng mình không có ấn tượng với cuốn này. Và nhờ vậy đã thôi thúc mình đọc truyện của Đồng Hoa. Lúc trước mình ngại truyện của Đồng Hoa vì nó quá dài, chỉ biết Đồng Hoa là tác giả của Bộ Bộ kinh tâm, một bộ phim mà mình cực kỳ thích. Và rồi đọc cuốn ngôn tình thứ hai là Bộ bộ kinh tâm, sau đó là Thời niên thiếu không thể quay lại ấy, rồi đến Vân Trung Ca và Từng thề ước. Trừ Trường tương tư ra thì mình chưa biết nội dung, Bí mật bị thời gian vùi lấp và Đại mạc dao đã xem phim (mình không có thời gian đọc, nếu đọc thì mất nhiều thời gian suy ngẫm). Mình thấy truyện của Đồng Hoa không chỉ là ngôn tình bình thường, nó vượt lên nhiều thứ, làm cho mình suy ngẫm nhiều lắm. Đồng Hoa không chỉ kể chuyện tình yêu, mà đan xen rất nhiều thứ như tình cảm gia đình, tình yêu nước, tình bằng hữu,…
    Lúc trước chưa đọc Vân trung ca, mình rất thích Thời niên thiếu không thể quay lại ấy, và cho là Bộ bộ kinh tâm là truyện hay nhất của Đồng Hoa. Sau khi xem phim và đọc các truyện còn lại, mình thấy Vân trung ca là hay nhất, ám ảnh mình nhất, nhiều lúc đọc lại nhưng không dám đọc từ lúc Lưu Phất Lăng qua đời. Hôm nay mình mới đọc lại truyện, mình đọc rất lâu, không phải là đọc chậm mà để ngẫm nghĩ. Mình cảm thấy phục Đông Hoa về cách xây dựng câu chuyện, miêu tả nhân vật rất hay, chi tiết không thừa,khi đọc phải chú ý từng chi tiết vì nó có thể đầu mối của chi tiết sau. Những chi tiết mà Đồng Hoa miêu tả mình rất thích, thích đến nỗi tìm hiểu rất nhiều về thời Hán, thích nhất là thời Hán triều của Trung Quốc, từ trang phục đến con người, tập quán. Đặc biệt là việc xây dựng sự tranh dành quyền lực chốn cung đình (mình không thích đề tài hậu cung của các nữ nhân) tàn khốc, và ngầm như đời thực của vua, quan, thần tử. Lúc đầu mình đọc, tình cảm của mình với Lưu Phất Lăng và Mạnh Giác giống như của Vân Ca vậy. Nhưng khi đọc quyển cuối, mình càng thích Lưu Phất Lăng, càng đồng cảm-thích và thấy tội cho Mạnh Giác, càng ghét Lưu Tuân và Hoắc Thành Quân, tội nghiệp cho Hứa Bình Quân. Khi đọc xong câu chuyện, mình không còn ghét nhân vật nào nữa, không nhân vật nào hạnh phúc thật sự, chỉ còn nỗi đau của quá khứ ám ảnh họ, ám ảnh mình.
    Điều đặc biệt nữa mà mình thích là Đồng Hoa hay trích dẫn các ca dao, tục ngữ và thơ cổ nhưng không phô, có lẽ các nhân vật phần lớn là trí thức thời phong kiến, làm cho mình càng ngày thích thơ cổ hơn.

    Đã thích bởi 1 người

  5. Hạnh Lê nói:

    Rất đồng tình với những nhận xét của bạn. Lí do chính khiến mình yêu thích Vân trung ca, Thời niên thiếu và Từng thề ước là vì những tiểu thuyết này đã vượt lên trên khuôn khổ của truyện ngôn tình: ĐH không chỉ kể lại một câu chuyện tình yêu với đầy đủ cung bậc của nó mà những tác phẩm này còn là khúc ca về tình bằng hữu, tình thân, lòng tự hào dân tộc. Đọc Đồng Hoa không chỉ để say đắm với tình yêu mà còn để ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, về cách làm người. Điểm thú vị trong tác phẩm của Đồng Hoa là trong mỗi nhân vật, dù tốt dù xấu, đều có những góc khuất, những sự bất đắc dĩ, những cái khiến ta không thể nhìn họ theo kiểu một chiều đơn giản. Chẳng hạn các nhân vật như Hoắc Quang, Hoắc Thành Quân: khi nghĩ đến vì Hoắc Quang mà Lăng ca ca phải chết giữa độ thanh xuân không có ai là không uất hận, nhưng lại cũng k thể khinh bỉ, coi thường ông, bởi ĐH cho ta hiểu, Hoắc Quang muốn giành lấy quyền lực chẳng qua cũng là 1 cách cực đoan để thực hiện hoài bão, lí tưởng của mình, “để cho thái bình nơi biên cương k phải đổi bằng nước mắt hồng nhan”. Hay như Hoắc Thành Quân, tuy rằng rất thâm hiểm, độc ác, nhưng đồng thời cũng là 1 cô gái nhỏ đáng thương…Về các chi tiết trong VTC mình cũng đồng tình với bạn, rất chặt chẽ, logic, miêu tả tâm lí tinh tế, sâu sắc, (khi trước mình có viết 1 bài chê Trọng Tử vì miêu tả tâm lí quá dài dòng, và có so sánh với cái “vừa đủ” của ĐH). Ở VTC không có chi tiết thừa, mỗi chi tiết đều có ý nghĩa riêng của nó, và được móc nối chặt chẽ với nhau, cho nên mỗi khi có bạn nào đó muốn phản biện nói VTC có chỗ này k hợp lí, chỗ kia phi logic, (VD bạ Vodanh ở trên, hoặc bạn elfs2yesung ở https://tuyettrentay.wordpress.com/2015/04/28/dai-mac-dao-ngoai-truyen/comment-page-1/#comment-10859 ai đọc kĩ VTC đều có thể tìm đủ lập luận để chứng minh phản biện của bạn kia không hợp lí.
    Những bài thơ, bài hát mà ĐH trích dẫn quả thực cũng rất đắc địa, nhiều bài nếu đọc riêng nó thì thấy cũng bình thường, nhưng đưa vào những tình huống truyện của ĐH lại trở nên có sức nặng hơn nhiều. Nếu bạn đọc “Bến xe” (một truyện cũng được nhiều bạn đọc đánh giá cao) sẽ thấy rõ khoảng cách của Đồng Hoa với tác giả này ( “Bến xe” dẫn nhiều văn chương cổ đến mức cảm thấy giống như là khoe kiến thức vậy, trong khi đọc VTC, mỗi lần đọc đến câu “Khi đi tha thướt cành dương Khi về mưa gió phũ phàng tuôn rơi” là một lần mình thấy đau lòng, bởi vì bài thơ đó quá hợp với tâm sự cảnh còn người mất của Mạnh Giác, cũng gợi lại bao nuối tiếc, hẫng hụt của Cửu Gia).
    Đại mạc dao mình khuyên bạn cũng nên đọc truyện, vì truyện tinh tế hơn phim rất nhiều. Ví dụ riêng 1 chi tiết này thôi: Ngọc Nhi ngồi thêu túi thơm cho HKB, khi đang thêu thì Cửu Gia đến, trong phim là Ngọc Cẩn đang thêu, sau khi bị kim đâm vào tay mới nhìn thấy Cửu Gia, thực ra trong truyện là Ngọc Cẩn đang thêu nghe thấy tiếng Thiên Chiếu và Cửu Gia cho nên mới bối rối khiến kim đâm vào tay. Nếu cảnh Ngọc Cẩn bị kim đâm trong phim chỉ đơn thuần cho thấy cô ấy k khéo léo thêu thùa thì trong truyện, kim đâm vào tay chính là 1 biểu hiện cho sự bối rối, đau xót của Ngọc Cẩn khi bất ngờ đối diện với cố nhân. Chính vì thế mà trong cảnh này tâm lí của Cửu Gia mới biến đổi nhiều đến thế: từ chỗ đau xót mặt trắng bệch (vì thấy Ngọc Cẩn thêu cho Khứ Bệnh) đến mặt dần lấy lại đc huyết sắc, mắt sáng lên nhìn vào vệt máu chưa khô trên khăn thêu (vì nàng vẫn còn bối rối đến thế khi ta xuất hiện, chứng tỏ trong lòng nàng k phải hờ hững với ta)… Còn rất nhiều chi tiết kiểu như vậy mà ng biên kịch đã k đủ tinh tế để chuyển vào phim.

    Đã thích bởi 1 người

  6. hoathangtu nói:

    Cảm phục chị hạnh lê quá rất nhiều ng đọc vân trug ca nhưg k phải ai cũg có nhữg hiểubiết sâu sắc về truyện như c.c ns đúg văn của đh chẳg có lời nào là dư thừa từg câu từg chữ chữ đều móc nối vs nhau lần đầu đọc truyen do vội muốn biết kquả nên đã đọc luớt cho nên đến khi kết thúc truyện r mà nhiều chỗ cứ u u mê mê phải đến lần đọc t2 t3 e ms hiểu đc hết chuỗi logic của truyện và nhận thấy có rất nhiều chỗ tgiả đã ngầm ám chỉ tỷ như về vụ hươg tiết mà mgiác làm cho vân ca là có vấn đề là nguồn bắtdẫn bi kịch cuộc đời các nvật “từ đó hươg tiết đó luôn đc ng trong tuyên thất điện chuẩn bị sẵn ngày đêm bầu bạn vs vca” đoạn cuối chươg 14 quyển trug k hiểu sao đọc lại đoạn đó e cứ có cgiác ma mị giốg như lờ mờ cảm nhận đc bi kịch đag dần len lỏi vào cuộc đời vca vậy.haiz đọc xog vtc r echẳg còn thấy hứg thú vs truyện khác nữa cố gắg tìm 1 cuốn tt khác để xoa dịu đi nhữg ám ảnh mà vtc mag lại nhưg k thành côg đọc dc vài trag là e lại nhớ đến vtc(và mò tìm đọc lại) khổ nỗi càg đọc càg thấy k chán chỉ thấy thấm thía hơn thôi.cũg giốg như vc vậy đã từg ngắm mặt trời mọc vs lăg caca r cho nên về sau ngắm cảnh mặt trời mọc khác sẽ k thấy đẹp đẽ nữa.vtc đã trở thành tuợg đài trog lòg e mất r.

    Thích

    • Hạnh Lê nói:

      Mình cũng giống bạn bị nghiện VTC đó, đọc 5,6 lần vẫn k thấy chán, trong khi có nhiều truyện nghe mọi ng khen hay nên mò mẫm đọc vài trang thì đã thấy chán, hoặc có cố đọc xong thì cũng thấy phí thời gian. Ngôn tình thì nhiều nhưng ngôn tình hay có thể đọc lại đến lần thứ 2 thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi.

      Đã thích bởi 1 người

      • hoathangtu nói:

        E bắt đầu đọc truyện tt từ năm c2 hồi đầu thì chỉ thík nhữg truyện ty tuổi teen thôi và e cũg có đọc bộ bộ kinh tâm.thú thực hồi đó chắc tại còn non nên e đọc k thấu hết đc ý nghĩa của truyện nên k thík mãi gần đây e ms tìmđọc lại truyện này và lại thík truyện của ĐH nên ms có cơ duyên đọc đc vtc và thấy qđịnh tìm đọc lại truyện của đh là vô cùg đúg đắn lâu lắm r e ms đọc đc 1 cuốn tt xứg đág để e bỏ tgian nhiều để nghiền ngẫm như vậy thík đếnmức tìm đọc tất cả cmt ns về vtc dể đọc.chắccó lẽ càg lớn gu đọc truyện càg thay đổi bâyh e chỉ thík đọc tp kiểu đh ngôn từ thâm sâu cốt truyện thực tế nhưgchạmvào lòg ng đọc cứ day dứt mãi k nguôi truyện của nhữg tgiả khác cũg viết về tình yêu truyện của đhoa cũg vậy nhưg truyệncủa đh có mà các tp khác hầu như k có đc đó là ngoài nhữgcâu truyện ty ra truyện của đh còncó nhữg triết lí sâu sắc về tìh huynh đệ tỉ muội.đạo nghĩa sinh tồn và cách làm ng và đặc biệt là luật nhân quả có vay có trả mà điển hình là nv lưu tuân trong vtc anh ta cướp đi của vc 1ng chồg và đứa con thì ôg trời cũg lấy của a ta ng thê tử và đứa con và bị con ruột củamình là lưu thík quay lưg.truyện của đh k dễ đọc và dễ hiểu nhưg 1 khi đã đọc thấu thì tới khi đọc truyện khác ms là thấy khó đọc.cảm ơn c đã rep bình luận của e,chúc c buổi tối vv, e rất cảm độgkhi thấy c cố gắg phân tích rạch ròi cho nhữg bạn chưa hiểu rõ về vtc

        Đã thích bởi 1 người

  7. Liho nói:

    Bài cảm nhận của bạn rất đầy đủ và sâu sắc, xin bái phục ^^
    Tuy nhiên về cảm nhận Mạnh Giác, mình có một ý kiến khác, chỉ là muốn nói ra thôi, cũng không có ý gì 😛 Mình thấy việc Mạnh Giác ép Vân Ca uống thuốc phá thai, không hẳn là vì yêu nàng hơn yêu tình yêu của mình. Mình nghĩ đơn giản Mạnh Giác là một thương nhân, sẽ chọn cách nhanh gọn và có lợi nhất. Ngoài cách phá thai, những cách khác có thể gây ra thiệt hại không đáng có, mà nhất là liên quan đến tính mạng Vân Ca, anh không muốn mạo hiểm. Mạnh Giác chọn cách đó, vì anh không biết rằng Thành Quân sẽ bắt anh tự tay cho Vân Ca uống thuốc (Mạnh Giác đã đề xuất phương án phá thai từ trước rồi), và cũng bởi vì anh không hiểu được đứa con có tầm quan trọng với người mẹ như thế nào (sau được Bình Quân nói mới biết). Lúc Mạnh Giác đổ bát thuốc vào miệng Vân Ca, nhìn thấy ánh mắt hận thù của cô, khi đó anh mới biết rằng mình không thể nào có cơ hội với cô được nữa: “Ta… hận… ngươi!” Môi của nàng khẽ cử động nhưng không phát ra tiếng. Những từ căn bản không phải là âm thanh phát ra, nhưng lại giống như sấm rền, nổ vang ở bên tai hắn. Cho dù nàng xoay người rời đi, cho dù nàng ở bên cạnh Lưu Phất Lăng, nhưng hắn vẫn tin tưởng, cuối cùng nàng nhất định sẽ ở chung một chỗ với mình, nhưng vào giờ khắc này, tin chắc của hắn đã tan biến như bọt biển.” => Sau khi Mạnh Giác lựa chọn việc phá thai, anh mới hiểu được hậu quả của sự lựa chọn này.

    Thích

    • Hạnh Lê nói:

      Mình không phủ nhận là khi đưa ra đề xuất cho Vân Ca uống thuốc sảy thai để giữ lại tính mệnh cho cô ấy, MG không biết Hoắc Thành Quân sẽ buộc mình phải tự tay làm việc này, cũng không hiểu hết đc tình cảm của Vân Ca đối với bào thai này. Nhưng nếu MG không yêu VC hơn tình yêu của mình thì công tử vẫn có 2 cơ hội để không làm việc đó: 1. Công tử hoàn toàn có thể từ chối yêu cầu của HTQ, quay về nhà để tìm cách khác (ví dụ như mạo hiểm cướp pháp trường mà mình đã phân tích ở trên).
      2. Khi nhìn thấy ánh mắt tuyệt vọng và cầu cứu của Vân Ca, MG vẫn có thể thay đổi kế hoạch, ví dụ như nhảy lên bắt HTQ làm con tin để đổi lấy việc đưa VC ra khỏi nhà lao.
      Nhưng cả 2 cách này, công tử đều không chọn. Bởi vì nếu chỉ riêng HTQ, có thể lực lượng của MG đủ sức khống chế, nhưng lúc này VC còn mang long thai, kẻ muốn giết đứa trẻ không chỉ có Hoắc Quang mà còn có Lưu Tuân, kẻ nắm thiên hạ trong tay. Vân Ca bụng mang dạ chửa, làm sao có thể chạy thoát khỏi sự săn lùng của bao nhiêu thế lực như thế?
      MG yêu VC hơn yêu tình yêu của mình, cho nên mới không thể chọn hai cách rất mạo hiểm (và chắc chắn là thất bại này).
      Chính vì vậy mà sau này, khi được Vân Ca cứu trên núi tuyết, MG vẫn bảo: Giữa nàng và đứa bé, ta chỉ có thể chọn nàng! Chuyện này ta không hối hận, nếu phải lựa chọn một lần nữa, ta vẫn sẽ chọn nàng.

      Thích

      • Liho nói:

        Theo như đoạn mình trích ở trên thì sau khi Mạnh Giác đưa thuốc vào miệng Vân Ca rồi mới biết được rằng sau này mình không thể nào có cơ hội nữa mà ^^ Mà có thể bạn đúng, bạn nhắc lại câu nói đó của Mạnh Giác đối với Vân Ca làm mình cũng đang xét lại suy nghĩ của mình.

        Thích

  8. Pingback: Vân Trung Ca – Lưu Tuân (hay là tự lảm nhảm trong lúc lái xe dưới mưa chiều đông) | Cabine de Roxane

  9. emnpi nói:

    Bạn viết hay quá, mình chưa đọc Vân Trung Ca vì mình ko dám đọc những tp gây chảy nước mắt quá nhiều nhưng rồi thì cũng đến lúc phải đọc. cảm ơn bạn.

    Đã thích bởi 1 người

  10. Lần đầu tiên đọc Vân Trung và biết đên Đồng Hoa là khi đọc bài viết này của bạn. Mới đó mà đã gần 3 năm rồi.
    Đối với mình Đồng Hoa và các nhân vật của chị ấy là những cuộc hạnh ngộ, thì hôm nay chợt nhận ra bạn nguyên chính là người mối mai đã se duyên cho những cuộc hạnh ngộ ấy. Thế mà để mãi đến lúc này đây; cũng chẳng biết phải cảm ơn bạn sao cho trọn bây giờ =)

    Ngồi đọc lại các bài viết của bạn, mình chợt nhớ rằng 3 năm trước điều lay động mình nhất ở bài viết của bạn đó là tấm lòng bạn dành cho các nhân vật Vân Trung Ca, và đến hôm nay lại càng như vậy. Đó là tấm lòng có thể hiểu rõ ràng, toàn vẹn từng nhân vật, có thể lưu loát, tỉ mỉ, chuẩn xác viết ra những điều nếu hời hợt hoặc thương yêu chẳng đủ sâu sắc sẽ chẳng thể thấy ra. Mà tấm lòng yêu thương ấy chẳng những sâu sắc, tinh tế lại còn đủ bao dung nên chẳng thể đành đứng trên lập trường riêng của một nhân vật nào mà phiến diện chê trách những nhân vật còn lại.
    10 ngọc khuyết 9, thế nhưng oán trách ngọc có vết lại dễ dàng và dễ thấy biết bao, dễ hơn cả oán trách sỏi đá chẳng phải ngọc. Ấy là chưa nói nói tới sỏi đá cũng có giá trị của sỏi đá. Nên mình càng quý tấm lòng của bạn.

    Và mình đã đem tấm lòng ấy đi đọc Vân Trung Ca, và cả những tác phẩm khác. Nhưng đến mãi bây giờ VTC vẫn là tác duy nhất của ĐH dù đã cố gắng tự ép mình nhiều lần nhưng chẳng lần nào có thể đọc lại quá vài chương, dù 2 tác phẩm mới nhất của ĐH mình đã đọc 5,6 lần.
    Đọc lại một lần nữa bài này của bạn, mình hơi mơ hồ đoán ra lý do tại sao VTC vẫn là 1 cấm kỵ trong lòng mình đến thế. Có lẽ một ngày đẹp trời, hít một hơi dài lấy nhiều dũng khí sẽ nhảy xuống cái hồ sâu tối, bi thương VTC 1 lần nữa.

    Cảm ơn bạn. Gửi đến bạn 1 tấm lòng từ phương xa.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này