Vì sao tôi yêu Vân trung ca ?


Đặc biệt dành tặng Tiểu Hoắc

Cho đến giờ, Vân trung ca vẫn là một trong số 3 cuốn tiểu thuyết khiến tôi đọc đến lần thứ năm vẫn vẹn nguyên cảm giác say mê như lần đầu tiên. Trước đây, tôi vẫn coi tiểu thuyết ngôn tình chỉ là thứ giải trí, nhưng sau khi đọc VTC bỗng giật mình, hóa ra ngôn tình cũng có thể gây chấn động như vậy. Cơn “chấn động” qua đi, tôi tự hỏi, vì sao tôi lại yêu tác phẩm này đến vậy, những yếu tố nào giúp VTC vượt lên trên bề mặt của tiểu thuyết ngôn tình vốn nhiều như nấm sau mưa, để không chỉ đơn thuần là một áng văn giải trí?
1. Theo “thói quen nghề nghiệp”, câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho mình: có phải ở cách tân nghệ thuật tiểu thuyết của Đồng Hoa không?
Xét về mặt kết cấu, Vân trung ca vẫn tuân theo mô hình tự sự truyền thống: tác giả kể lại một câu chuyện theo trình tự thời gian tuyến tính, “tuần tự nhi tiến” theo dòng đời của nhân vật, hầu như không có sự xáo trộn nào đáng kể về mặt thời gian, hồi tưởng cũng có, nhưng không đáng kể. Nhân vật “người kể chuyện” cũng rất truyền thống: người kể chuyện hàm ẩn, “biết tuốt” các diễn biến của sự kiện và có thể đi sâu vào từng ngóc ngách nội tâm nhân vật. Xét ở hai điểm này, nếu đặt VTC trong dòng chảy văn học đương đại, khi mà tiểu thuyết dòng ý thức, cấu trúc phần mảnh, cấu trúc lắp ghép đã xuất hiện, với nhiều kiểu nhân vật người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật khác nhau, Vân trung ca thực sự “lạc hậu”.
Đổi mới nghệ thuật của Đồng Hoa thực chất nằm ở sự đổi mới tư duy tiểu thuyết: lịch sử hóa tiểu thuyết đi kèm với giải thiêng lịch sử, giải thiêng huyền thoại. Vân trung ca lấy bối cảnh thời nhà Hán với các nhân vật có thật trong lịch sử như Hán Chiêu đế Lưu Phất Lăng, Hán Tuyên Đế Lưu Tuân, Hoàng hậu Hứa Bình Quân, Hoắc Thành Quân, Hoắc Quang, Lưu Hạ, cha con Thượng Quan,… Nhưng VTC lại không phải là một tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử đối với Đồng Hoa chỉ là cái cớ để kể câu chuyện của chính mình. Trong chính sử, Hán Tuyên đế Lưu Tuân được đề cao với “hùng tài vĩ lược, kiếm cũ tình thâm”, Đồng Hoa ngược lại, cho người đọc thấy đâu là hiện thực chua xót ẩn đằng sau “truyền thuyết” mà xưa nay người ta vẫn luôn ca ngợi ấy. “Kiếm cũ tình thâm” thực chất lại chỉ là cái vỏ ngoài để Lưu Tuân thu phục dân tâm, đồng thời đẩy người vợ kết tóc ra nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ ngai vàng của mình. Ông vua hùng tài vĩ lược thực chất lại là kẻ đi lên ngai vàng bằng cách bước qua xác của ân nhân và huynh đệ thuở nào “sống chết có nhau”.
Đây chính là tinh thần hoài nghi hậu hiện đại, là sự đối thoại của kinh nghiêm cá nhân với kinh nghiệm cộng đồng. Cái gọi là lịch sử, chính sử, với Đồng Hoa, không phải là hiện thực tuyệt đối, nó chỉ là hiện thực theo con mắt của người làm sử, là hiện thực mà người làm sử muốn cho người đọc nhìn thấy. Vân trung ca khơi dậy ở người đọc tinh thần hoài nghi của con người hậu hiện đại. Hiện thực trong VTC có thể nói, cũng chỉ là một “hiện thực như tôi (Đồng Hoa) biết“.
Đổi mới nghệ thuật đáng kể thứ hai của Đồng Hoa nằm ở kết thúc “mở” của tác phẩm: Vân trung ca khép lại khi số phận của Mạnh Giác vẫn là một dấu hỏi. Chàng sẽ may mắn được cứu, hay sẽ vĩnh viễn nằm lại dưới dòng Thương Hà buốt lạnh kia? Không ai biết! Đồng Hoa cũng không thể biết. Câu chuyện mãi mãi là một thực tại còn dang dở, một thực tại không hoàn kết. Độc giả có thể tùy theo trí tưởng tượng và cảm xúc để tạo ra cái kết cho riêng mình.
Huyên thuyên một hồi, tôi lại giật mình tự hỏi, liệu như thế đã đủ chưa? Sự say mê của tôi dành cho VTC, liêu có phải nằm ở những cách tân này? Không, nếu so sánh với kĩ thuật tự sự dòng ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Ulysse của James Joyce, cấu trúc lắp ghép trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, hay sự đối chọi của nhiều điểm nhìn trần thuật trong Bốn bề bờ bụi của Akutagawa Ryunosuke, sự đổi mới của Đồng Hoa gần như là không đáng nhắc tới. Nếu chỉ xét về cách tân nghệ thuật, chỉ cần xét riêng trong thế giới ngôn tình, hẳn là tôi phải thích Hoa tư dẫn với kết cấu truyện trong truyện kiểu roman-fleuve và bút pháp hiện thực huyền ảo, hoặc A Mạch tòng quân với 3 cái kết khác nhau ở phần phiên ngoại, hơn. Vậy thì sức hấp dẫn của tác phẩm nằm ở chỗ nào?
2. Nếu phải dùng hai tính từ để mô tả cảm giác của tôi khi đọc VTC thì đó chính là mê đắm và ám ảnh. Tình yêu của tôi với VTC, xét đến tận cùng, xuất phát từ chính cái mê đắm và ám ảnh ấy.
Mê đắm và ám ảnh nằm ở câu chuyện tình yêu đẹp đến như không có thực giữa Lăng ca ca và Vân ca, Mạnh Giác và Vân Ca. Mê đắm và ám ảnh cũng nằm ở chính hình tượng hai nam nhân vật trong câu chuyện ấy.
Không hiểu sao, mỗi lần nghe hai bản nhạc rất yêu thích là “Trails of the angles” (Dấu vết của những thiên thần” https://www.youtube.com/watch?v=ABOxTtxJxNw

và “Song from a secret garden” (Bài hát từ khu vườn bí mật) https://www.youtube.com/watch?v=ZvgFHhLjFdU tôi đều bất tri bất giác mà liên tưởng đến họ. Một người như thiên thần dạo chơi qua chốn nhân gian, bình thản với hết thảy, “tất cả các cảm xúc giống như ánh sáng không lưu lại dấu vết”, một người như một khu vườn bí mật, nơi giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, có rắn rết hiểm họa, cũng có hoa thơm trái ngọt bất ngờ. Một người như tiếng sáo thênh thênh không chút bụi trần, một người như tiếng vĩ cầm u uẩn, da diết, khắc khoải.
2.1. Nhân vật Lưu Phất Lăng xuất hiện không nhiều, chàng có thể coi là nhân vật chính xuất hiện ít nhất trong tất cả các tiểu thuyết ngôn tình, nhưng lại là nhân vật mà tôi (và nhiều bạn đọc khác) thích nhất.
4 tuổi nổi danh thần đồng, 8 tuổi đăng cơ, nhưng ngai vàng chỉ là gánh nặng mà chàng buộc phải mang, là thứ chàng căm ghét, khiến chàng nghẹt thở, bởi vì đó là thứ do mẫu thân dùng máu mà đổi lấy. Hơn nữa, phiên vương, quyền thần như hổ đói rình mồi, ngai vàng kia lúc nào cũng lung lay sắp đổ. Chàng lúc ấy chỉ là một cậu bé, nhưng gánh trên vai không chỉ mặc cảm đau đớn với cái chết của mẫu thân mà còn cả tiếng oán cừu của bách tính cùng khổ, sự chèn ép của quyền thần.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên đại mạc đã chiếu rọi một tia sáng vào cõi lòng tối tăm, tịch mịch của chàng. Khi Vân Ca cất tiếng gọi trong trẻo :”Lăng ca ca”, cùng với “nụ cười tươi đẹp như nhân gian trong một ngày nắng tháng tư”, cùng với thái độ tự nhiên, tiếng kể chuyện huyên thuyên không dứt, cô bé ấy đã hé mở cánh cửa vào thế giới vốn khép chặt của Phất Lăng.
Hành động trao tặng giày thêu lúc chia tay, với Vân Ca là vô tình, nhưng lại khởi đầu cho một mối nhân duyên dây dưa không dứt.
– Cô có biết nữ tử tặng giày cho nam tử là có ý gì không?
-Ta nhận, cô nhất định cũng phải nhớ kĩ
– Ta ở Trường An chờ cô
Chỉ vì lời ước hẹn ngây thơ con trẻ và những cảm xúc ban sơ chớm nở mà người con trai ấy lẳng lặng chờ đợi 9 năm. 9 năm, Thiên tử Đại Hán đã 21 tuổi vẫn hậu cung trống rỗng, đến nữ nhân thị tẩm cũng chưa từng có. 9 năm, mỗi lần mệt mỏi với sóng gió cung đình, mỗi lần gặp trở ngại trong việc thi hành cải cách, giảm thuế khóa cho dân, chàng lại bước lên Thần Minh đài, dõi trông về phía Tây, nơi có dáng váy màu xanh lục, hoặc ngắm sao trời, những ngôi sao mà chàng đã cùng người ấy ngắm nơi đại mạc. Thiếu gia vẫn chờ người cầm sợi dây đó tới. Thiếu gia thích ngắm sao. Thiếu gia rất thích màu lục. Đêm khuya, khi thiếu gia ngủ không được, sẽ thổi tiêu, nhưng chỉ lặp đi lặp lại một khúc nhạc.
Vân Ca, 9 năm đằng đẵng chưa từng gặp lại, nhưng lại là tất cả yêu thương, ấm áp của chàng!
Bởi vì tình quá sâu, nên khi nghe văng vẳng trong đêm khuya khúc Trùng nhân phi, kẻ luôn bình tĩnh lãnh mạc, dù đối mặt với mưa gió cung đình mặt không đổi sắc ấy bỗng náo loạn phát điên, bất kẻ bụi rậm, bất kể y phục bị gai cào rách nát, bất kể da thịt rướm máu, vẫn băng băng đuổi theo hướng âm thanh mà đi, chỉ vì “đây là làn điệu trong lòng quen thuộc nhất, bất kể có nhỏ như thế nào, chỉ cần nàng hát lên, hắn đều có thể nghe được”. Bởi vì tình quá sâu, cho nên chỉ một khúc hát đủ khiến chàng vui mừng, hi vọng, rồi lại hồi hộp, lo âu, phấp phỏng: “Vân Ca, là nàng sao? Nếu như là nàng, vì sao lại chỉ cách Trường An gần như vậy, cũng không từng tới tìm ta? Nếu không phải nàng, tại sao lại có thể quen thuộc như vậy?Vân Ca, tối nay, tiếng hát của nàng là vì sao mà cất lên?”. Bởi vì tình quá sâu, cho nên khi bắt được một chút manh mối, chàng không quản gió lạnh, nguy hiểm trùng trùng nửa đêm từ Ly Sơn di giá về Trường An. Bởi vì tình quá sâu, cho nên đấu tranh, mâu thuẫn giữa khát vọng gặp lại nàng với lo sợ cho an nguy của nàng, cho nên do dự không quyết giữa đi tiếp hay quay lại.
Đến khi tìm được nàng, biết nàng vì người con trai khác mà đau lòng, chàng lại chẳng mảy may oán trách, chỉ lẳng lặng chở che, an ủi, dùng tất cả ôn nhu, dịu dàng của mình để mong xoa dịu những thương tổn của nàng.
Bình bình đạm đạm, chàng, tự lúc nào, đã đi vào lòng Vân Ca, không phải như một vị quân vương, mà chỉ là “Lăng ca ca của nàng”, như bằng hữu, như tri kỉ, như người yêu.
“Vân Ca, ta chính là ta, quá khứ, hiện tại, tương lai, ta đều là Lăng ca ca của nàng.”
Hiểu nhau đến từng lời chưa nói, đồng điệu với nhau từ những sở thích nhỏ nhất. Ở trong lòng chàng, vương vị, quyền lực chỉ là vật ngoài thân. Vì tự do của nàng, vì an toàn của nàng, chàng không do dự từ bỏ cái ngai vàng mà nhiều người mơ ước.
Đứng trước Vân Ca, chàng không phải hoàng đế, không phải con người lạnh lùng cách xa mọi hỉ giận của thế nhân nữa, chàng chỉ là một nam nhân hai mươi tuổi đang cưng chiều nữ tử bên mình: Vì nàng lặng lẽ thổi tiêu, vì nàng lóng ngóng nhóm bếp pha trà,… gò má phớt đỏ khi nàng trêu, ánh mắt yêu thương, khóe mày nhăn lại vì lo âu, nỗi vui mừng đến ngây ngô khi được nàng đón nhận,…
Vui sướng của chàng, nuối tiếc, thống khổ, tự trách của chàng, không yên lòng của chàng, tất cả đều bởi vì nàng.
Chuyện vui sướng nhất chính là cưới được thê tử tốt.”

“Chuyện muốn làm nhất chính là có thể ở cùng nàng ngày lại ngày cho tới bạc đầu.”
Không cầu cái gì cao siêu, ao ước của chàng, giản dị thế, mà cuối cùng, lại trở thành một thứ khẩn cầu xa xỉ. Chàng đã tận lực muốn buông xuống vương vị để tránh sinh ly, lại không thể nào thoát khỏi tử biệt.
“Tình cảm quá sâu, quá đậm, nhưng thời gian lại quá ngắn, quá ngắn.”. “Là một chớp mắt, nhưng đã là một đời, là một đời, nhưng chỉ trong chớp mắt”.
Mối tình ấy, vì thế, quá đẹp, quá mĩ lệ, cũng quá ngắn ngủi, bi thương. Vân trung ca, vì thế, ám ảnh như một khúc ca buồn cho những lỡ làng, tiếc nuối của kiếp người.
Chàng, là hiện thân của cái toàn thiên, cái hoàn mỹ, nhưng cũng là sự thể hiện rõ nét cái hữu hạn của con người, sự bất lực trước vận mệnh.
Chàng hoàn mỹ nhưng không hoàn hảo. Thông minh tuyệt đỉnh, phân tích tình huống như một thiên tài chính trị, nhưng chàng không phải một ông thần. Chàng có thể lợi dụng cục diện lúc Hoắc Quang đấu đá với cha con Thượng Quan để tiêu diệt cả 3 thế lực quyền thần, thu triều đình về một mối, nhưng đã không làm thế, bởi chàng không đủ nhẫn tâm, chàng không muốn quyền lực của mình phải đổi bằng một cơn binh lửa. Chàng, cho đến cuối cùng, không thể bảo vệ nổi người con gái mình yêu, cũng không thể tự bảo vệ chính mình.
Chàng cũng không phải Khổng Minh hay Quan Vũ khi chết rồi vẫn có thể khiến kẻ thù khiếp sợ. Chàng, chết là hết. Tài năng phi thường cũng thế, yêu thương che chở cũng thế, tất cả chỉ là chuyện khi còn sống. Lúc đã nằm dưới ba thước đất rồi thì chỉ còn là một lăng tẩm lạnh ngắt mà thôi, bất kẻ thiên địa mưa gió thế nào, “cũng chỉ dùng trầm mặc mà đáp lai”, không thể cùng nàng phân ưu, không thể vì nàng bảo bọc. Đứng trước vận mệnh, con người chỉ là một hạt bụi nhỏ bé bất kì lúc nào cũng có thể “tan vào trong đời đời kiếp kiếp luân hồi”!
Nhân đây lại nói đến nam chính trong Ngâm vịnh phong ca. Truyện này được nhiều bạn liệt vào liste truyện hay. Tôi chỉ thấy nhạt thếch. Nam chính giống như ông thần vạn năng, biết tất cả, hóa giải được tất cả, nữ chính giống như công chúa trong cổ tích cứ việc nằm trong rừng chờ hoàng tử đến đánh thức. Một nhân vật nam chính như thế, theo tôi chính là thất bại của tác giả.
Phất Lăng hoàn mỹ, nhưng không phải là ông thần vạn năng như vây. Chàng, giống như sao băng, chói sáng rực rỡ rồi vụt tắt. Quá chói sáng, cũng quá ngắn ngủi, một cực phẩm nam nhân, lại cũng là một cái tôi hữu hạn, bất lực trước vận mệnh, cho nên cũng rất “người”.

Một đặc điểm có thể dễ dàng nhận ra: mối quan hệ Phất Lăng- Vân Ca luôn luôn gắn với khoảnh khắc sinh tử của một trong hai người, luôn luôn là một trong hai người phải đi trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Những giây phút thực sự bình yên rất hiếm hoi. Tình yêu của họ luôn ở trong tâm thế chạy đua cung cái chết.
Và nếu để ý kĩ một chút, độc giả cũng lại có thể thấy mối quan hệ giữa Phất Lăng và Vân Ca thường được gợi lên với những yếu tố thuộc trường nghĩa chỉ ánh sáng: khi vừa gặp gỡ, ấn tượng đầu tiên của Lăng ca ca về Vân Ca là “mu bàn chân trắng như tuyết”, “ánh mắt cong cong tựa mảnh trăng non”, nụ cười tươi đẹp như nhân gian trong một ngày nắng tháng tư, khiến “Triệu Lăng chợt cảm thấy tận sâu trong nội tâm vốn tối đen như mực của mình bỗng nhiên xuất hiện một tia nắng mặt trời”; đêm trước khi chia tay, nghe tiếng cười trong như tiếng chuông bạc của nàng, Triệu Lăng “hoảng hốt nghĩ trong thành Trường An, tòa cung điện trống trải tịch mịch bị bóng tối bao phủ kia, có lẽ có tiếng cười của Vân Ca, tòa cung điện đó cũng trở nên giống nụ cười của nàng, ấm áp như ánh nắng”. Scène Phất Lăng bày tỏ tâm ý là một đêm “Ánh trăng sáng tỏ, ánh sáng vẩy khắp Thương Hà….” . Đêm phu thê kết tóc của họ cũng là một màn giữa trời nước, trăng sao mĩ lệ. “Ngẩng đầu, là ánh sao sáng lạn, cúi đầu, vẫn là ánh sao sáng lạn, ở giữa còn có vô số đom đóm đơn độc phát sáng, cũng là những ánh sao nhỏ sáng lạn”. “Thiên địa làm bằng, ngôi sao làm mối, nàng là thê tử duy nhất đời này kiếp này của ta.”
Ánh sáng là biểu hiện của sự sống, niềm hi vọng, niềm vui, sự ấm áp. Tình yêu Lăng ca ca- Vân Ca được bao phủ bởi ánh sáng, cho nên vô cùng mĩ lệ. Đặc biệt, các yếu tố chỉ ánh sáng ở đây đều là thứ ánh sáng tự nhiên từ vũ trụ. Khác với ánh sáng nhân tạo, ánh sáng tự nhiên từ vũ trụ mang tính vĩnh hằng, tuần hoàn, trải qua một chu kì nhất định, nó có thể sáng trở lại sau khi đã tắt.
Đặt hai đặc điểm này song song với nhau có thể thấy tính chất của tình yêu này: mĩ lệ, rực rỡ, nhưng cũng mong manh, ngắn ngủi. Mong manh, ngắn ngủi, nhưng lại đủ cho cả một đời.
Đất diễn của nhân vật Lưu Phất Lăng không nhiều, chàng chỉ được miêu tả ở một vài chương trong quyển thượng, chủ yếu xuất hiện ở quyển trung và vận mệnh kết thúc ở đầu quyển hạ, nhưng ấn tượng về chàng lại vô cùng sống động. Niềm vui của chàng, sự hồi hộp phấp phỏng của chàng, sự tức giận của chàng, nuối tiếc của chàng, băn khoăn lo lắng của chàng…tất cả đều rất thực, rõ nét như từng hơi thở của chúng ta.
Cái tài của Đồng Hoa là chỉ qua một vài chi tiết nhưng đã gợi được cái thần của nhân vật, giống như thủ pháp chấm phá trong Đường thi. Đặc biệt, nhân vật Lưu Phất Lăng trở nên có bề dày khi đời sốngbên trong của chàng được tái hiện một cách tinh tế qua các màn độc thoại nội tâm hoặc những đoạn hòa trộn giữa lời của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật. Ví dụ: “Nếu Trúc công tử thật sự là nàng, hắn nhất định phải nhanh chóng gặp nàng, vạn nhất có người khi dễ nàng rồi thì sao? Vạn nhất nàng không được vui vẻ thì sao? Vạn nhất nàng phải rời khỏi Trường An thì sao? Vạn nhất nàng đã gặp một người khác thì sao? Trong khoảng thời gian một ngày chuyện có thể sẽ xảy ra nhiều lắm, mà hắn đã sớm mất đi niềm tin đối với ông trời”. “Hắn xiết chặt cây sáo trúc trong lòng bàn tay. Vì dùng lực quá mạnh, cây sáo trúc cắt vào lòng bàn tay, giữa kẽ tay lộ ra màu máu.
Vân Ca! Vân Ca! Chín năm sau, chúng ta lại có thể gặp lại như thế này!”
2.2. Nếu như Lăng ca ca là nhân vật tôi thích nhất khi đọc truyện thì Mạnh Giác lại là nhân vật khiến tôi day dứt nhất sau khi gấp trang sách lại.
Từ góc độ của người nghiên cứu và người sáng tác, Mạnh Giác đích thực là nhân vật sáng giá cho tiểu thuyết. Bởi y không phải là một tính cách đơn thuần, y là một phức thể của các tính cách đối lập, cao thượng- thấp hèn, tự tôn- tự ti, vị tha- ích kỉ. Đặc biệt, y, nói như một bạn nào đó, rất hiện sinh. Mạnh Giác đối mặt với thế giới bằng một tâm thế mở, y có thể vì sự đối mặt ấy mà dần dần thay đổi, thay đổi trong nhận thức, thay đổi trong hành động. Nhờ có quá trình đối mặt ấy, y dần trưởng thành. Hành trình của y trong VTC là hành trình của một cái cây từ bóng tối vươn mình ra ánh sáng.
Mạnh Giác không phải người hoàn mỹ như Phất Lăng. Y tính toán, y có tư tâm, y có thể sử dụng thủ đoạn lôi đình, tàn nhẫn để đạt được mục đích của mình. Khi cần thiết, y có thể bắt tay với quỷ ác, nhưng ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn y dường như cũng luôn ngự trị một thiên thần.
Điểm đáng quý đầu tiên ở Mạnh Giác là ý thức phản tỉnh mạnh mẽ. Y là nhân vật của sự hoài nghi, không chỉ hoài nghi với những tín điều đã cũ, hoài nghi vận mệnh, hoài nghi cái gọi là “sự sắp đặt của ông trời”, mà còn là hoài nghi với chính nhận thức của mình. Mạnh Giác trước khi tiếp cận Lưu Phất Lăng vốn mang tâm thế thù địch. Gia biến, tuổi thơ khốn khổ đến cùng cực của y, cái chết của mẫu thân, đệ đệ, chính là bởi triều đình nhà Hán. Nhưng khi tiếp cận với chàng, trải qua việc chàng từ chối triệu kiến Trúc công tử, bởi vì “Người này phải làm công việc hắn thích, trẫm ép hắn không được. Để cho hắn tự do tự tại làm đồ ăn theo phương thức mà hắn thích, đó mới là thật tâm thưởng thức tài nghệ của hắn.”, nội tâm Mạnh Giác chấn động “nhất thời có một cảm giác không diễn tả được, hoàng thượng này làm cho hắn có nhiều điều không ngờ.”
Chấp niệm về báo thù rửa hận, cái ăn sâu nhức nhối đến tận trong máu của Mạnh Giác, kinh qua quá trình trải nghiêm nhân sinh của hắn, cũng biến đổi. Vào giây phút y nói vào tai Vân Ca “Ta chờ nàng tìm ta để báo thù”, y đã ngộ ra năm ấy mẫu thân dặn mình báo thù, thực chất chỉ là cho mình một lí do để từ trong tuyệt vọng mà sống sót. “Lúc sắp chết, mẹ chỉ vào phương hướng quê nhà, đó mới là hi vọng thực sự của mẹ, mẹ muốn con trai của mình ở dưới bầu trời xanh, ở trên cỏ xanh, phóng ngựa rong ruổi, sống một cuộc sống sảng khoái, có lẽ mẹ chưa từng hi vọng rằng con trai mình dính líu tới thù hận”. ” Thù hận là một đầm lầy càng gắng sức càng chìm xuống sâu”.
Ngay trong tình yêu, trong cách yêu, Mạnh Giác cũng có sự biến đổi rất lớn.
Tình yêu, ban đầu, đối với Mạnh Giác, chỉ là một quân cờ có thể lợi dụng. Y tiếp cận Vân Ca, đến Tây Vực cầu thân, một mặt là vì trong tiềm thức của y luôn có hình bóng của chú sơn ca nhỏ, người đã “nắm lấy tay hắn ngay cả khi hắn dơ bẩn nhất”, một mặt khác, lại là vì cơ hội thừa kế gia sản của Phong thúc thúc. Sau đó, y dao động, y do dự giữa Hoắc Thành Quân và Vân Ca, bởi vì Hoắc Thành Quân cũng là quốc sắc thiên hương, mà đặt bên cạnh quyền lực nghiêng trời của Hoắc thị, gia sản của Phong thúc thúc đã chẳng đáng kể gì. Nếu Mạnh Giác chỉ là một thương nhân toan tính, ai cũng biết đâu sẽ là con đường mà y lựa chọn. Lí trí cho hắn biết cưới Hoắc Thành Quân sẽ là hoạn lộ thênh thang, nhưng hắn lại làm theo tiếng nói của con tim, hắn lựa chọn Vân Ca, cũng tức là là đối chọi với Hoắc thị, từ bỏ con đường thênh thang trước mắt để bước lên cây cầu độc mộc.
Cách yêu của Mạnh Giác cũng đi từ ích kỉ, hẹp hòi đến bao dung, rộng lượng. Cảm nhận được những “nguy cơ” từ đối thủ như Phất Lăng, hắn không ngại ràng buộc nàng bằng một trao đổi có điều kiện “trong vòng 1 năm, nàng không được để hắn ôm, không được ngủ cùng, không được làm gì cả”. Nghe “tiếng hít thở dồn dập” ngoài hiên đầy lo lắng, xót xa của Vân Ca khi đâm kim xuyên xương thăm bệnh cho Phất Lăng, y không ngần ngại cắm vào thật từ từ, thật từ từ, để kẻ bị đâm kia thêm thống khổ. Ghen tuông, ích kỉ, tư tâm như thế, nhưng y cũng vì nàng mà không ngại tổn hao vô vàn tâm huyết để chữa bệnh cho “tình địch”, vui mừng khi tìm ra cách chữa, xót thương, bất lực ôm lấy nàng khi “trong mắt nàng có mong mỏi của một người rơi xuống dòng nước xiết muốn bắt lấy một khúc gỗ” mà hắn lúc ấy chỉ là một cây rơm rạ.
Tình yêu của Mạnh Giác đã đi từ tính toán, lợi dụng, đến thật tâm rung động, đến hi sinh, đã đi từ chỗ vì mình, đến chỗ vì người, và chỉ vì người.
Rung động với tình yêu vẹn nguyên không tì vết của Lăng ca ca bao nhiêu thì trái tim tôi cũng run rẩy với tình yêu có sứt mẻ, có lỗi lầm, như một viên ngọc có tì vết nhưng lại càng mài càng sáng của công tử bấy nhiêu.
Tôi không muốn nhắc đến ở đây những lần công tử vào sinh ra tử để cứu Vân Ca. Nam chính, nam phụ trong ngôn tình chẳng phải luôn bán mạng vì nữ chính hay sao? Tôi cũng không nhắc đến hành động “nguyện lấy thân này chịu đau như nàng”, hay việc công tử biết Vân Ca vì hiểu lầm, thù hận muốn đầu độc công tử mà công tử vẫn thản nhiên tiếp tục, chỉ bởi vì đó là thức ăn nàng làm, chỉ bởi vì muốn nếm hương vị của tình yêu, dù ngọt bùi, dù cay đắng, hay là chua chát.
Tôi chỉ nhắc đến mấy chi tiết sau đây, những chi tiết khiến tôi rung động đến tận linh hồn, để thấy cuối cùng, tình yêu của công tử, đã biến đổi đến thế nào.
Chi tiết thứ nhất là khi công tử quyết định cầm chén thuốc sảy thai cho Vân Ca uống. Lần đọc đầu tiên, tôi vẫn băn khoăn: tại sao công tử không chọn một cách khác để cứu Vân Ca. Công tử có võ công, có đội Tam Nguyệt, Bát Nguyệt hậu thuẫn, công tử cũng có thể tìm cách để liên lạc với hai ca ca thần thánh của Vân Ca. Tại sao công tử không cùng người nhà nàng dốc toàn lực đánh một trận để cứu nàng? Đọc lại lần thứ hai, chú ý đến đoạn đối thoại của công tử với Hoắc Thành Quân, tôi chợt hiểu ra. Nếu như công tử yêu tình yêu của mình nhiều hơn một chút và yêu Vân Ca ít hơn một chút, công tử sẽ làm như cách tôi vừa nói. Dốc toàn lực cướp pháp trường để giải cứu nàng, một là may mắn thành công, cơ hội nàng mở lòng với công tử sẽ nhiều hơn. Trường hợp xấu nhất, thất bại, công tử cũng có thể cùng nàng “đồng khứ đồng quy, sinh tử tương hứa”. Nhưng công tử yêu Vân Ca hơn là yêu tình yêu của mình, cho nên công tử không thể mạo hiểm. Nếu công tử không chấp nhận đề nghị của Hoắc Thành Quân, bất kì lúc nào cô ta cũng có thể giết chết nàng, trước khi công tử tìm được nàng. Có lúc nào công tử không mong đợi một ngày nàng quay trở lại bên mình, nhưng vì sự sống của Vân Ca, lúc này đây, công tử lại chỉ có thể chấp nhận tự tay giết đi niềm hi vọng của nàng, cũng có nghĩa là tự tay đẩy nàng ra xa vạn trượng.
Chi tiết thứ hai, khi nàng vì đau buồn mất con mà hôn mê không tỉnh, công tử điên cuồng nhắc nàng “Đứa bé đã chết! Là bị ta giết chết!” “Nàng phải cố gắng sống sót! Ta chờ nàng sau khi tỉnh lại báo thù!”. Tình yêu của công tử, lúc này, không còn là hi vọng chiếm hữu nữa, nó đã thành VÔ SỞ CẦU. Đứng trước sự sống của nàng, yêu hay hận, hi vọng hay vô vọng, đã đã trở thành thứ yếu.
Đỉnh điểm là khi, để cứu Vân Ca, công tử cầm lên tay cây tiêu ngọc của Phất Lăng, thổi khúc nhạc mà Phất Lăng vẫn thổi. Tôi tự hỏi, buổi chiều ấy, công tử đã nghĩ những gì?
Chúng ta biết công tử là một kẻ tự tôn, kiêu ngạo có thừa. Không phải thứ kiêu ngạo sinh ra từ trong máu của một người xuất thân sang quý. Kiêu ngạo của công tử sinh ra từ khổ đau, nhục nhã, cùng cực, như một thứ lá chắn sinh ra từ bóng tối. Giống như con nhím xù lông để tự vệ. Tự tôn, kiêu ngạo như một phương thức để tránh đi những tổn thương mà người đời có thể gây ra cho công tử qua sự khinh bỉ hay thương hại. Trong khốn cùng bị đánh đập, bị lăng nhục, công tử vẫn cười ngạo, thách thức ông trời. Hoắc Quang, Lưu Tuân cũng chưa từng khiến công tử cúi đầu. Hơn 1 lần, công tử nói với hoàng đế:
“Thảo dân chẳng những không phải một người thanh cao, hơn nữa còn là một người thích chạy theo quyền thế, nhưng cho dù là quyền thế, ta cũng không có thói quen chấp nhận chuyện người khác áp đặt cho ta, nếu ta muốn sẽ tự mình đoạt lấy.” (đối thoại với Lưu Phất Lăng)
“Ta từ trước nay luôn là muốn gì thì đều tự lực cánh sinh*.” (đối thoại với Lưu Tuân)
Tự tôn, kiêu ngạo là thế, mà giây phút này đây, vì Vân Ca, công tử tự biến mình thành cái bóng của Phất Lăng, có nghĩa là, lá chắn cuối cùng của công tử, cũng đã sụp đổ tan tành trước sinh mệnh của nàng. Với một nam nhân, mất đi tự tôn chẳng phải còn hơn cả cái chết hay sao? Hi sinh vì một người con gái còn có thể hơn được hành động này của công tử hay sao?
Mạnh Giác trong quá khứ đã không dưới một lần nói với Vân Ca “ta dù thế nào cũng không phải là một công tử si tình”, nhưng qua những hành động của công tử, tôi thấy có lẽ nếu chỉ dùng một chữ si tình để nói về chàng có lẽ còn chưa đủ.
Vì nàng buông bỏ hận thù. Yêu đến quên cả tự tôn, yêu đến cam chịu, yêu đến dẹp bỏ mọi ham muốn. Yêu trong đau đớn, trong tuyệt vọng. Yêu đến mức, “nếu như hận cũng là một loại khắc cốt ghi tâm, vậy thì nàng cứ hận đi”. Yêu đến mức, giây phút cuối cùng của cuộc đời, sau khi đã bị vạn tiễn xuyên tâm, ý nghĩ duy nhất cũng là về nàng “Ở nơi xa tắp, bên ngoài hồng trần hỗn loạn, có mây trắng lững lờ trôi đó, nàng đã quên được hết thảy hay chưa, đã tìm thấy sự bình yên của nàng hay chưa?
Nàng thật sự đã quên tất cả về ta rồi sao?
Bệnh của nàng đã đỡ hơn chút nào chưa?”
Không phải là “Nàng có khi nào nhớ đến ta không”, mà là “nàng đã quên được hết thảy hay chưa, đã tìm thấy sự bình yên của nàng hay chưa?”. Thiên ngôn vạn ngữ thu lại trong một ý niệm đơn sơ như thế. Câu hỏi này của công tử khiến tôi liên tưởng đến quan niệm về hạnh phúc của Vân Ca qua màn phẩm đồ ăn giữa nàng và Phất Lăng ở chương Tâm đầu ý hợp. Các món ăn bắt đầu từ ngọt ngào, đến cay đắng, chua chát, rồi cuối cùng trở về với vị dầu muối đạm mạc thường ngày, bởi vì “Thức ăn có trăm ngàn hương vị, cố nhiên vị càng đậm đà thì càng kích thích, nhưng ấm áp nhất, thức ăn ngon nhất lại chính là vị dầu muối bình thường, cũng giống như trong cuộc sống, chua ngọt đắng cay, rất nhiều màu sắc, thay đổi muôn hình muôn vẻ, nhưng sau cùng luôn hi vọng chính là tế thủy trường lưu, cùng nắm tay hưởng hạnh phúc bình thản”.
Ta phải yêu người như thế nào?
Mới có thể đi qua phù hoa
Đi qua thời gian
Không cuồng điên
Không hư vọng?
( Mã Cát A Mễ xướng | Tiểu Tần dịch)
Nếu như phải nói một chút gì đó về nét đắc sắc của Đồng Hoa khi miêu tả nhân vật Mạnh Giác thì theo tôi đó chính là thủ pháp “trùng tượng”, hiểu một cách nôm na thì đó có nghĩa là xây dựng một cặp nhân vật có điểm tương đồng nào đó về vẻ ngoài, về hoàn cảnh hoặc tính cách, để cặp nhân vật đó soi chiếu và làm nổi bật lẫn nhau. Nhìn bề ngoài sẽ thấy quan hệ “trùng tượng” giữa Mạnh Giác và Lưu Bệnh Dĩ.: cùng là tuổi thơ phải trải qua gia biến, từ cuộc sống phú quý cẩm y ngọc thực đến đói rét đầu đường xó chợ, bị xua đuổi, bị săn lùng, rồi cùng cố tạo cho mình một cái mặt nạ để che dấu nội tâm “một người cười sang sảng như thể trượng phu, một người ôn hòa tựa như quân tử”. Lưu Bệnh Dĩ không từ thủ đoạn để bước lên ngôi hoàng đế, Mạnh Giác cũng sẵn sàng “đổ dầu vào lửa”, “giương đông kích tây” để làm tăng thêm mâu thuẫn giữa tam đại quyền thần hay ra tay độc ác với đám Hắc y nhân. Nhưng đây chỉ là mặt hiển lộ. Sâu trong nội tâm, Mạnh Giác lại là người vô cùng khác biệt với Lưu Bệnh Dĩ. Công tử muốn giống Lưu Bệnh Dĩ, muốn mình là kẻ “mặt hiền tâm lạnh”, mà rốt cục lại không đủ tàn nhẫn, rốt cục, trong lòng công tử “còn có quá nhiều thương xót mà y không bao giờ chịu thừa nhận”. Cho nên, công tử gần với Phất Lăng hơn. Công tử không đành lòng tạo ra một ngòi nổ cho cuộc chiến Khương tộc- Hán triều, đẩy vạn vạn gia đình vào cảnh nhà tan cửa nát, cho nên ở giây phút cuối cùng đã ghìm mũi kiếm tha cho Khắc Nhĩ Tháp Tháp, nhận cái chết về mình. Chính công tử, chứ không phải Vân Ca, mới là người hiểu lí do vì sao Phất Lăng biết Lưu Tuân là kẻ hãm hại mình mà không trả thù, ngược lại vẫn truyền ngôi cho y. Công tử giống Phất Lăng, cho nên khi Phất Lăng vừa muốn xuống giường hành lễ, chưa cần một lời giải thích nào, công tử đã hiểu hết ý tứ của chàng:“Hoàng thượng không cần như thế, nếu như ngày sau Vân Ca có hỏi, thần sẽ nói là thần y thuật thấp kém, cuối cùng không chữa khỏi bệnh của hoàng thượng.” . Đấy là chưa nói đến những điểm chung trong tình cảm của hai người đối với Vân Ca. Có chung khởi đầu, có chung lưu luyến, có chung chờ đợi, … Bảo vệ, che chở, hi sinh!
Khi an ủi Vân Ca, Lưu Phất Lăng hay nhắc đến 4 chữ “âm soa dương thác”. Tôi thấy 4 chữ này đặc biệt đúng với Mạnh Giác. Thông minh có đủ, mưu sâu kế hiểm rất nhiều, khao khát yêu thương, tôn thờ tình cảm thủy chung “bất ly bất khí” (không rời bỏ, không lìa xa), mà cuộc đời, chỉ vì đi sai một bước, lại là một chuỗi những bi kịch. Lưu Phất Lăng không có bi kịch. Với chàng, chỉ có tiếc nuối. Chí nguyện của chàng đã đạt, ước vọng tình yêu với Vân Ca cũng đã thành. Cuộc đời chàng, tuy ngắn ngủi, nhưng đã thực sự có được hạnh phúc. Còn Mạnh Giác, đi đến cuối cùng, thù không trả được, tình cũng lìa xa. Cho nên Manh Giác là hiện thân đầy đủ nhất bi kich của sự lỡ làng.

3. Làm nên sức hấp dẫn của VTC không chỉ có tam giác Lưu Phất Lăng, Mạnh Giác, Vân Ca mà còn có hệ thống các nhân vật phụ. Hứa Bình Quân, Lưu Tuân, Hoắc Thành Quân, Thượng Quan Tiểu Muôi, Hoắc Quang, mỗi người đều không bị vo tròn trong một ước lệ về tính cách, mà là một bản ngã nhiều chiều. Không có nhân vật nào hoàn toàn đáng yêu hay đáng ghét. Chẳng hạn, nhân vật Hoắc Quang. Nếu dưới một ngòi bút tầm thường, Hoắc Quang sẽ chỉ hiện lên như một gian thần độc ác, vô tình. Đồng Hoa lại cho người đọc biết một phương diện khác của con người ấy. Ông ta vì quyền lưc có thể tàn nhẫn tính kế đầu độc một vị tiểu hoàng đế mới vừa 8 tuổi, hoặc giết chết cả nhà thông gia, nhưng sâu trong tâm khảm, ông ta không phải là một người lãnh khốc vô tình. Vì với Hoắc Quang, quyền lực cũng chỉ là phương tiện để thực hiện hùng tâm tráng chí. Có quyền lực mới có thể đề xuất cải cách, giảm bớt thuế khóa, để cho thái bình nơi biên cương không phải đổi bằng nước mắt hồng nhan.
Câu chuyện của Đồng Hoa trong VTC không đơn thuần là câu chuyện tình yêu, nó còn khơi gợi ở người đọc nhiều vấn đề quan trọng khác của nhân sinh: quan niệm về quyền lực, quan niệm về sự thù hận, quan niệm về hạnh phúc, tầm quan trọng của quá trình và kết quả,…
Giọng điệu của VTC cũng rất ám ảnh. Trong VTC có một số đoạn mang giọng giễu nhại châm biếm, một số đoạn mang giọng hài hước, nhưng âm hưởng chủ đạo vẫn là giọng điệu bi thương khắc khoải, giống như “máu trào ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy”. Trộm nghĩ, nếu như có một ngày Đồng Hoa sang gặp độc giả Việt Nam, hẳn nên một lần gặp Tiểu Hoắc để “dĩ tạ tri âm”, bởi nếu không có bản edit rất có hồn của Tiểu Hoắc, giọng điệu bi thương ám ảnh của Đồng Hoa cũng khó có thể được chuyển tải vẹn nguyên như vậy.
Để khép lại bài viết này xin mượn lại lời của Viên Viên- Chủ biên tạp chí ‘Phụ nữ hiện đại’ “ Có rất nhiều tác giả viết về tình yêu, người khiến tôi cảm động cũng không phải ít, người khiến tôi đau lòng cũng có nhiều, nhưng khiến tôi đọc mà rung động tới tận linh hồn thì chỉ có mình cô mà thôi.”
Limoges, 27/9/2014

Lê Thị Hồng Hạnh

PS: Công tử ơi! Chẳng cần phải “người tri âm ít cầm nên lặng” đâu. Nếu thực có thể gặp lại trong một duyên kiếp khác, sẽ không chỉ có “một tấm lòng trong thiên hạ” nguyện nghe công tử gảy khúc Thái vi đâu, có phải không?

Bài này đã được đăng trong Cảm nhận truyện và được gắn thẻ , , , , , , , , . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

2 Responses to Vì sao tôi yêu Vân trung ca ?

  1. liuxiuxiu nói:

    Chào chị, em cũng đã đọc Vân trung ca rất nhiều lần rồi, và lần nào cũng vẹn nguyên cảm xúc như thửơ ban đầu. Thật ra bản thân em thích Lăng ca ca, ban đầu đã dặn lòng không nên dành quá nhiều tình cảm cho công tử, nên đề phòng công tử, nhưng không biết có phải luôn nghĩ thế không mà khi thật sự lún vào rồi lại chẳng dứt ra được. Nhiều người không thích công tử lắm, em biết, nhưng ít ra khi em đọc bài viết này, cũng thấy được tình cảm đặc biệt của chị dành cho công tử, em vui lắm, dù sao em cũng cảm ơn chị đã viết bài này, cảm ơn chị nhiều.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này